Từng là điểm nóng về xây dựng
Ngày 3/11, phóng viên trở lại hiện trường vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng tại số nhà 68 đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy). Theo quan sát, quán karaoke số 68 là ngôi nhà phân lô nằm ngay mặt đường phố Trần Thái Tông cao 10 tầng, còn 3 ngôi nhà bên cạnh (số 70, 72, 74) bị cháy lây cũng có chiều cao từ 8 đến 10 tầng. Khu vực này lâu nay được mệnh danh là khu phố kinh doanh dịch vụ giải trí sầm uất nhất nhì của Cầu Giấy khi mà hầu hết các khu nhà phân lô ở đây đều trở thành nơi cho thuê để kinh doanh các dịch vụ ăn uống, giải trí, văn phòng cho thuê…
Qua tìm hiểu, đây là khu đất đấu giá thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy, nằm cách trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu không xa. Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt khu đất đấu giá này có ký hiệu là khu D2 với chức năng là công trình nhà ở. Khu đất có khoảng 20 lô nhà liền kề với chiều cao được phê duyệt ban đầu cao 4 tầng 1 tum.
Thế nhưng vào năm 2007-2008, khi tuyến đường Trần Thái Tông trở thành một trong những trục đường trung tâm của quận Cầu Giấy thì hầu hết các chủ lô đất này đua nhau xây dựng sai giấy phép như xây vượt tầng, xây sai mật độ, thay đổi thiết kế được duyệt để biến các công trình nhà ở thành các công trình kinh doanh mặt phố.
Hiện có căn xây thấp nhất 7 tầng, còn đa phần xây 8 đến 10 tầng, thậm chí có toà xây vượt đến 12 tầng (lô số 78-khách sạn Luxeden), “Khu nhà ở phân lô này đa phần xây dựng từ năm 2007, 2008. Những năm đó, khu này từng là điểm nóng về vi phạm xây dựng khi có các công trình xây sai về quy hoạch, sai mật độ cho phép. Sau này, khu này mới được điều chỉnh quy hoạch được xây 6 tầng 1 tum”, một vị cán bộ cho biết.
Theo vị cán bộ này, dù hiện nay khu đô thị mới Cầu Giấy đã được thành phố điều chỉnh quy hoạch cục bộ bằng những quyết định thay đổi chiều cao, chức năng sử dụng ở nhiều khu đất nhưng về tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn quy hoạch thì các khu nhà liền kề mặt phố Trần Thái Tông đều vẫn sai. Chẳng hạn, theo quy định các công trình này phải có ban công, lôgia, khoảng lùi nhưng ở đây phần lôgia, ban công bị xây bịt hoặc mở rộng thành diện tích sàn sử dụng. Thậm chí, nó đã bị xây tường gạch bịt kín mặt tiền hay bịt kín bằng việc lắp kính, lắp biển quảng cáo dày đặc.
Buông lỏng quản lý?
Trong quy hoạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, các khu đất như khu đất đấu giá mặt đường Trần Thái Tông phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Theo quy hoạch các công trình xây dựng trên mặt các tuyến phố chính phải thực hiện nghiêm quy định về chiều cao và mật độ xây dựng, nhưng thực tế cơ quan chức năng lại “bỏ quên” quy hoạch để các công trình vượt tầng, sai mật độ tràn lan.
Điều đáng nói, những công trình vi phạm này có quy mô lớn, được tổ chức thi công trong thời gian dài nhưng không kịp thời được xử lý. Khi đặt câu hỏi với đại diện chính quyền phường Dịch Vọng Hậu, cán bộ ở đây dẫn giải ra các nguyên nhân, trong đó cho rằng, vi phạm về trật tự xây dựng của những công trình trên đã xảy ra từ lâu, thuộc về trách nhiệm của các lãnh đạo nhiệm kỳ trước.
Theo Trung tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), việc nhiều hộ dân thay đổi công năng sử dụng nhà ở thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, đặc biệt là các điểm kinh doanh karaoke nhưng lại không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC là rất nguy hiểm.
Theo ông Việt, các công trình thay đổi công năng này không đảm bảo lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy; đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn nên không phát hiện được đám cháy sớm, không kịp thời cứu chữa gây cháy lan và cháy lớn… Trong khi đó, chủ cơ sở kinh doanh thiếu kiến thức về PCCC hoặc không quan tâm đến đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng.
Theo Trung tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), việc nhiều hộ dân thay đổi công năng sử dụng nhà ở thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, đặc biệt là các điểm kinh doanh karaoke nhưng lại không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC là rất nguy hiểm.