Chiều 24/5, phát biểu mở đầu phiên thảo luận ở tổ, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin đến các đại biểu về vụ cháy ở Trung Kính (Hà Nội) làm 14 người chết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, đến hiện trường và bệnh viện để thăm hỏi, động viên gia đình bị nạn, bác sĩ và lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại cơ sở.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh; QH. |
Qua nắm bắt tình hình từ hiện trường, ông Phương nói công tác phòng cháy, chữa cháy gặp bất cập, giá đất tăng lên, người dân cơi nới nhà cũ để cho thuê, làm phá vỡ toàn bộ quy hoạch làng xưa.
Phó Chủ tịch Quốc hội ví dụ, ở những hẻm sâu, các nhà ở trong đó cơi nới, đi từ đường chính vào có nhiều khúc cua, càng vào sâu trong hẻm càng chật, xe máy đi thì được nhưng nếu có thêm một người, tránh không được.
Ông cũng cho biết khu cầu thang ngôi nhà xảy ra cháy ở Trung Kính được thiết kế phía ngoài. Ở đó có hai nhà, một nhà 5 tầng của chủ nhà và một nhà 3 tầng để cho thuê.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến việc kết hợp giữa nhà ở và nhà kinh doanh trong vụ cháy này. Nhà cơi nới để cho thuê, thậm chí kinh doanh toàn bộ khoảng trống của đường vào nhà.
“Trước đây chủ yếu để lối đi và cây xanh thì chủ nhà dùng mái tôn che làm xưởng sửa chữa xe máy, xe đạp, xe điện”, ông Phương thông tin, đồng thời cho biết theo phản ánh ban đầu, vụ cháy bắt đầu có thể do chập điện, bình gas, bình khí của xưởng sửa chữa phát nổ.
Khu vực đó vừa có xe máy của người dân, vừa có xe của xưởng sửa chữa. Vì vậy khi phát nổ đã tạo áp lực rất lớn hất tung toàn bộ mái che tạm, đẩy toàn bộ lên nhà 3 tầng.
|
Trong khi đó, nhà được chủ nhà cải tạo, mỗi phòng cho thuê chỉ khoảng 16 m2, cầu thang tầm 60 cm…
“Cửa vào hẹp, toàn bộ đóng bằng gỗ có khe hở, toàn vật liệu dễ cháy. Khi phát nổ bung hết lên, toàn bộ áp lực tạo nên ngọn lửa có khí rất đậm đặc”, ông Phương kể lại.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết nếu các vụ cháy nhà trước đây, tỷ lệ chết ngạt nhiều hơn chết cháy thì riêng vụ này chết cháy nhiều hơn chết ngạt, vì cháy xộc thẳng vào từng phòng trọ. Trong đó, một phòng có nhà vệ sinh tương đối kiên cố, người dân vào phòng đó đóng cửa nên thoát được.
Theo ông Trần Quang Phương, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki ốt, hàng sửa xe, những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh.
Ông cho biết đoàn Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng An ninh đi khảo sát nhiều lần, hầu như Hà Nội và các thành phố lớn, tình trạng tương tự không ít.
“Đây là sự bất cập của quy hoạch”, ông Phương bày tỏ, đồng thời chia buồn sâu sắc với bà con.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An nói tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Theo ông, phải rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh bởi đây là loại hình có rủi ro cao và có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Đặc điểm của việc cháy nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh cho thuê trọ, nếu cháy, khả năng dẫn đến chết người với số lượng lớn là rất hiện hữu.
Ông Trịnh Xuân An cho rằng cần cấm nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và cho thuê trọ đông người. Về lâu dài, phải có một hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đầu tư các dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp để giảm dần tình trạng thuê trọ, ở trọ tự phát như hiện nay.