Vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: VEC yêu cầu các nhà thầu thi công có sai phạm phải bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại tòa, đại diện VEC mong muốn HĐXX trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, nếu xác định các nhà thầu thi công có sai phạm gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật; doanh nghiệp này không yêu cầu bị cáo phải bồi thường và kiến nghị gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn phong tỏa tài sản.

Người nhận sai, người khẳng định làm đúng quy trình

Ngày 17/10, phiên xét xử vụ án sai phạm gây thiệt hại hơn 460 tỷ đồng tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 2) tiếp tục xét hỏi 22 bị cáo và đại diện chủ đầu tư, các đơn vị liên quan.

Trả lời HĐXX, các bị cáo Hoàng Việt Hưng, Đỗ Ngọc Ân, Hà Văn Bình (đều là cựu Giám đốc, Phó giám đốc và là cán bộ Ban Quản lý dự án cao tốc) đều xin nhận trách nhiệm với các hạng mục mà cơ quan giám định kết luận “không đảm bảo chất lượng” trong cáo trạng.

Về tội danh truy tố, họ hoàn toàn đồng tình, song cho rằng phía Viện kiểm sát quy kết khoản tiền thiệt hại chưa được khách quan.

Đối với nhóm bị cáo Nguyễn Văn Thuật (cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1); Nguyễn Thiên Nam (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1) và Nguyễn Hữu Sơn (cựu Giám đốc chất lượng gói thầu A2) khi trả lời xét hỏi đều khẳng định đã tuân thủ đúng quy trình.

Bị cáo Thuật còn nêu lập luận, nếu có hỏng hóc thì đó chỉ là sai sót cục bộ, không đại diện cho toàn tuyến đường, cho toàn bộ lớp vật liệu.

Theo bị cáo, quá trình điều tra, nhà thầu A1 đã có đơn gửi cơ quan điều tra khẳng định nếu có sai sót nhà thầu sẵn sàng khắc phục, thực hiện bảo hành đúng như hợp đồng.

Trong cáo trạng, Viện kiểm sát cáo buộc Nguyễn Văn Thuật, cùng tư vấn giám sát đệ trình văn bản đến Ban QLDA cho sử dụng mỏ đá đồi để thi công lớp đá dăm gia cố nhựa, tuy không được chấp nhận nhưng vẫn sử dụng đá này để thi công.

Đại diện nhà thầu này còn ký 28 biên bản nghiệm thu chuyển giai đoạn thi công lớp đá dăm gia cố nhựa; 262 tài liệu chi tiết liên quan việc nghiệm thu; 747 tài liệu liên quan công tác thi công, nghiệm thu lớp bê tông hạt nhựa…. Phía VEC đã thanh toán đối với các lớp vật liệu không đảm bảo chất lượng trong thời gian Nguyễn Văn Thuật phụ trách là 47,5 tỷ đồng.

Còn bị cáo Nguyễn Thiên Nam thì lập luận, bây giờ dựa trên kết quả giám định xác định chất lượng không đạt là “rất khó nói”, vì công trình đã đưa vào khai thác hai năm rồi, kết quả vẫn đang sử dụng’’.

Trước lời khai trên, Chủ tọa phiên tòa nêu vấn đề, trong 9 gói thầu của A1, khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và cơ quan chức năng đi kiểm tra thì nguồn vật liệu bị kết luận có nhiều nội dung vi phạm nhất. Tuy nhiên, đáp lại ý kiến của HĐXX, ông Nam vẫn tái khẳng định ở gói thầu A1 bị cáo đã tuân thủ trình tự thi công, không cố tình làm sai.

Vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: VEC yêu cầu các nhà thầu thi công có sai phạm phải bồi thường ảnh 1

Các bị cáo trả lời xét hỏi.

Không yêu cầu bị cáo phải bồi thường

Cũng tại phiên xét hỏi hôm nay, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) bày tỏ mong muốn HĐXX trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, nếu xác định các nhà thầu thi công các gói thầu A1, A2, A3, A4, A5 có sai phạm gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật.

Theo đại diện VEC, cơ sở yêu cầu bồi thường là hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Các nhà thầu có nghĩa vụ xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, tiến độ, tiêu chuẩn chất lượng. Trường hợp thực hiện không đúng, không đầy đủ, sai sót thì phải bồi thường…

Có năm gói thầu trong giai đoạn 2 của vụ án gồm: Gói thầu A1, nhà thầu là liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Lotte; gói thầu A2 có nhà thầu là Tập đoàn Sơn Đông; gói thầu A3 là nhà thầu Giang Tô; gói thầu A4 nhà thầu Lotte E&C; gói thầu A5 nhà thầu Posco E&C. Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền là 460 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán cho nhà thầu của gói thầu A1 là 47,5 tỷ đồng; gói thầu A2 là 129 tỷ đồng; gói thầu A3 là 85 tỷ đồng; gói thầu A4 là 127 tỷ đồng và gói thầu A5 là 71 tỷ đồng.

Đối với các bị cáo trong vụ án, đại diện VEC có quan điểm “không yêu cầu họ bồi thường”, bởi họ đều là nhân viên, chuyên gia có đóng góp cho ngành giao thông vận tải, có nhiều bằng khen giấy khen. Bản án giai đoạn 1 đã quá đủ sức răn đe đối với các bị cáo. Do đó, VEC đề nghị HĐXX hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với tài sản của các bị cáo bị kê biên phong tỏa.

“Các bị cáo không rút ruột công trình, tất cả đều có nhân thân tốt, gia đình có công, xin HĐXX cho hưởng khoan hồng”, đại diện Tổng công ty VEC nói.

MỚI - NÓNG