Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Hai ‘ông trùm’ kêu oan về số tiền thu lợi bất chính

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kêu oan khi bị cáo buộc về số tiền thu lợi bất chính, ông trùm Phan Thanh Hữu cho rằng, không thể đổ đồng tiền thu lời trên mỗi lít xăng là 2.000 đồng vì tiền "lãi" là số còn lại sau khi trừ các loại chi phí và tiền "bôi trơn".

Hôm nay (31/10), tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, xét xử vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng xảy ra tại Đồng Nai và loạt tỉnh, thành, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo.

Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Hai ‘ông trùm’ kêu oan về số tiền thu lợi bất chính ảnh 1

Dẫn giải các bị cáo đến tòa.

Tại phiên tòa này, bị cáo Phan Thanh Hữu (Cựu Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (cựu Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 71 đồng phạm bị xét xử về tội “Buôn lậu”. Bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) bị xét xử tội "Nhận hối lộ". Trong đó, hai bị cáo Hữu và Viễn được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu vụ án.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Phan Thanh Hữu nói rằng, cáo trạng quy buộc bị cáo thu lợi bất chính số tiền 156 tỷ đồng từ buôn lậu gần 198 triệu lít xăng là ‘oan’ cho bị cáo.

Để chứng minh mình ‘bị oan’, bị cáo Phan Thanh Hữu trình bày rằng, cáo trạng cho rằng mỗi lít xăng nhập lậu lời 2.000 đồng, trong khi theo bị cáo thì muốn tính lãi bao nhiêu phải trừ chi phí neo đậu, tiền công cho người làm và cả chi phí ‘bôi trơn’… rồi phần chênh lệnh dôi dư ra mới là tiền lãi.

Mặc khác, theo bị cáo Phan Thanh Hữu, các tàu chở xăng cũng có trọng lượng vận chuyển lớn, nhỏ khác nhau, điều này cũng tác động đến tiền lãi của từng lít xăng, không thể ‘đổ đồng’ mỗi lít xăng là lãi 2.000 đồng.

Bị cáo Phan Thanh Hữu cũng nói rằng, trong vụ án này có 67,7 triệu lít xăng bán sang thị trường Campuchia và 2,5 triệu lít xăng lúc đường dây buôn lậu bị lực lượng chức năng phanh phui thì vẫn còn trong kho, không gây thiệt hại.

Từ diễn giải trên, ông ‘trùm’ Phan Thanh Hữu tuy thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố nhưng cho rằng bản thân chỉ thu lợi số tiền 102 tỷ đồng, cho việc buôn lậu và tiêu thụ 127,7 triệu lít xăng tại thị trường trong nước.

Như vậy, tại phiên tòa cũng như trong giai đoạn điều tra, bị cáo Phan Thanh Hữu vẫn giữ nguyên lời khai.

Trước đó, tại kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, "ông trùm" đường dây buôn lậu xăng dầu trên khi làm việc với Cơ quan điều tra cũng khai nhận chỉ mua bán số lượng 130 triệu lít xăng nhập lậu tại Việt Nam, trong đó số xăng nhập lậu mà Hữu đã bán thực tế là 127,7 triệu lít.

Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Hai ‘ông trùm’ kêu oan về số tiền thu lợi bất chính ảnh 2

Cảnh sát mang tài liệu vụ án vào phòng xử án.

Cũng như bị cáo Phan Thanh Hữu, trả lời HĐXX, "ông trùm" Đào Ngọc Viễn cũng cho rằng cáo trạng đã quy buộc bị cáo này thu lợi bất chính gấp đôi thực tế. Cụ thể, bị cáo này nói số tiền cáo trạng quy buộc là gần 47 tỷ đồng, trong khi bị cáo chỉ thu được hơn 25 tỷ đồng.

Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Phan Thanh Hữu luôn miệng nói số tiền thu lợi bất chính thực tế thấp hơn con số bị cáo buộc. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cho rằng, ngoài lời khai của bị cáo Phan Thanh Hữu, không có tài liệu, chứng cứ nào xác định bị cáo Hữu đã giao 67.449.526 lít xăng nhập lậu cho các đối tượng khác vận chuyển sang Campuchia để tiêu thụ.

Căn cứ vào dữ liệu trích xuất từ điện thoại di động của các bị cáo chung vụ; tài liệu thu giữ tại Kho Nam Phong, tại nhà bị cáo Phan Thanh Hữu; các tài liệu sao kê tài khoản ngân hàng của các bị cáo đã mua xăng nhập lậu và chuyển tiền, cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra khẳng định đã có đủ cơ sở xác định bị cáo Phan Thanh Hữu đã vận chuyển, mua bán gần 198 triệu lít xăng nhập lậu từ Singapore vào Việt Nam tiêu thụ và thu lợi bất chính số tiền trên 156 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.