Lãnh đạo huyện Tương Dương không thể vô can
Trong biên bản Đối chiếu công nợ của cơ quan UBND huyện Tương Dương do ông Nguyễn Đình Khôi - Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Tương Dương với ông Trần Văn Vinh (Chủ nhà hàng Vinh Phượng, thị trấn Hòa Bình) lập ngày 20/6/2016 thể hiện rõ, từ năm 2011 đến 14/6/2016, Văn phòng nợ nhà hàng hơn 1 tỷ đồng; Bảng đối chiếu công nợ của Văn phòng UBND huyện Tương Dương với bà Nguyễn Thị Lễ Quế thì từ năm 2011 đến 2015 là hơn 1,4 tỷ đồng; Trong đơn yêu cầu thanh toán của nhà hàng Minh Mùi thì Văn phòng UBND huyện Tương Dương, Phòng Tài chính huyện Tương Dương đang nợ nhà hàng này với số tiền 92 triệu đồng (sau xác minh là 96 triệu đồng)…
Hầu hết số tiền nợ trên đều phục vụ cho việc ăn uống, tiếp khách. Đến khi số tiền nợ đọng qua 4 năm đã lên tới hàng tỷ đồng khiến người dân lo sợ “nợ xấu” buộc phải viết đơn Yêu cầu thanh toán, đồng thời gửi đơn tới cơ quan truyền thông phản ánh. Đây là số tiền “khủng” đối với người dân một huyện biên giới như Tương Dương. Tuy nhiên, khoảng thời gian này, lãnh đạo huyện Tương Dương vẫn không hay biết vụ việc.
Trong cuộc làm việc với phóng viên báo Tiền Phong ngày 28/2, Phó Chủ tịch huyện Tương Dương Vy Mỹ Sơn cho biết: “UBND huyện không nợ mà là Văn phòng ủy ban không thực hiện đối chiếu từng năm để nợ đọng kéo dài. Bên chủ nợ cũng không hỏi, bên nợ cũng không rà soát, có những khoản nợ từ năm 2009, qua 4 đời văn phòng rồi. Trong báo cáo hàng năm, văn phòng UBND huyện không có những khoản nợ này. Chúng tôi phát hiện sự việc từ tháng 5/2018 và huyện đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh. Trách nhiệm này thuộc về chánh văn phòng và kế toán cơ quan của từng giai đoạn”.
Theo đó, phải đến 7 năm thì lãnh đạo huyện Tương Dương mới phát hiện vụ việc và vào cuộc xử lý. Ông Sơn nói, trong báo cáo hàng năm, văn phòng UBND huyện không có những khoản nợ này nên mới xảy ra nợ đọng. Vị lãnh đạo này cũng chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Chánh văn phòng, Kế toán cơ quan qua từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước trực tiếp ở UBND huyện Tương Dương đã làm hết chức trách? Dấu hiệu quan liêu phải chăng đang xảy ra? Lãnh đạo huyện Tương Dương chỉ quản lý, xét thi đua, hoàn thành nhiệm vụ của cấp dưới thông qua báo cáo mà chưa đi sâu sát nhân dân để nắm bắt tình hình địa bàn thực tế? Việc quy trách nhiệm như Phó Chủ tịch huyện Tương Dương Vy Văn Sơn nói đã đủ chưa?
Bên cạnh đó, qua 7 năm không nắm “tín hiệu” từ nhân dân, thì tháng 5/2018, UBND huyện Tương Dương phát hiện vụ việc và thành lập đoàn thanh tra ngày 7/6/2018. Đến nay, hơn nửa năm, huyện này vẫn chưa có kết luận chính thức vụ việc.
Bí thư tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo làm rõ
Theo ông Trần Công Hòa – Trưởng phòng theo dõi công tác Phòng chống tham nhũng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: “Trong một đợt làm việc của Ban Nội chính năm 2018 tại huyện Tương Dương thì ban cũng nắm được thông tin này. Qua báo cáo của UBND huyện Tương Dương, huyện đã đặt vấn đề với Sở Tài chính rà soát lại công tác tài chính của văn phòng UBND huyện. Anh Vy Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch huyện cũng nói đã thành lập đoàn thanh tra và khất lại với Ban Nội chính khi nào có kết luận thanh tra sẽ có báo cáo”.
Nói về vấn đề thời gian kéo dài nhưng UBND huyện Tương Dương chưa có kết luận, ông Trần Công Hòa thông tin, Thanh tra huyện tự thanh tra xác minh theo dư luận phản ánh và với lí do đó, xin gia hạn thời gian thanh tra. Sau đó, Bí thư tỉnh ủy chuyển một cái đơn yêu cầu Ban Nội chính kiểm tra và Ban Nội chính tiếp tục hỏi huyện đã có kết quả thanh tra chưa nhưng huyện chưa có. Giai đoạn 2011 – 2015 là nợ nhiều nhất, còn chúng tôi nắm ngoài dư luận thì nợ đã có từ 2005, tổng nợ với số tiền 10 tỷ đồng nhưng chưa có cơ sở.
“Nên làm một lần cho rõ chứ đừng để dư luận kéo dài quá lâu. Sau khi báo Tiền Phong nêu thì có thể Ban sẽ lên trực tiếp đôn đốc và nắm rõ lý do tại sao lại để kéo dài thời gian thanh tra. Huyện báo lên vấn đề phức tạp, thời gian thanh tra chắc chắn sẽ kéo dài nhưng không thể để kéo dài quá. Chúng tôi sẽ nắm lại nguyên nhân này và đôn đốc kết thúc thanh tra sớm”, ông Sơn nói thêm.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Thanh – Thư ký Bí thư tỉnh ủy Nghệ An cho biết: “Đã có hộ kinh doanh gửi đơn cho bí thư phản ánh, văn phòng của UBND huyện Tương Dương nợ nhiều mà không trả. Bí thư đã giao cho huyện xử lý, huyện cũng đã có báo cáo về tình hình xử lý và người viết đơn cũng đã rút đơn để làm việc lại với nhau. Sau một thời gian lại tiếp tục có đơn, Bí thư chuyển đơn cho Ban Nội chính xử lý. Thông tin giống như báo Tiền Phong phản ánh. Nguyên tắc nợ là phải trả”.