Vụ bảo vệ dân phố sát hại bé 6 tuổi: Trách nhiệm không thể chỉ là kẻ thủ ác

Hoàng Nhất Giang tại cơ quan công an. Ảnh: CA cung cấp.
Hoàng Nhất Giang tại cơ quan công an. Ảnh: CA cung cấp.
TP - “Một tuần trước lúc sát hại cháu bé, tôi thường xuyên nghe văng vẳng bên tai cháu K. chửi mình là đồ ăn trộm, độc ác… Vì vậy, tôi sát hạ K. để khỏi phải nghe chửi mình”- Hoàng Nhất Giang, bảo vệ dân phố tại Khu phố 2, phường 5, quận 11 (TPHCM) khai nhận, sau khi bị bắt giữ.

Tuyển dụng khi mắc bệnh tâm thần?

Hôm qua 28/11, các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM vẫn đang phối hợp điều tra nhằm sớm kết luận nguyên nhân và động cơ giết cháu K. 6 tuổi ngụ ở quận Tân Phú của Hoàng Nhất Giang. Cơ quan điều tra xác nhận gia đình Giang đã cung cấp cho cơ quan chức năng những thông tin về việc Giang từng có tiền sử bệnh tâm thần, được gia đình đưa đi chữa bệnh trong thời gian dài.

Lãnh đạo phường 5, quận 11 xác nhận Hoàng Nhất Giang làm bảo vệ dân phố tại Khu phố 2, phường 5 từ năm 2013 đến nay. Trao đổi với Tiền Phong, mẹ của Giang cho biết, vào năm 2005, Giang bị phát hiện bệnh tâm thần phân liệt, phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Sau khi điều trị ổn định Giang được bệnh viện này cho về tiếp tục điều trị tại nhà. Năm 2013 Giang xin vào làm bảo vệ dân phố, trong lúc xin việc có trình báo bệnh tình. Tuy nhiên, Giang vẫn được nhận vào làm việc.

Vào đầu năm 2016, thấy Giang có dấu hiệu tái phát bệnh, gia đình tiếp tục đưa Giang đến bệnh viện điều trị với chẩn đoán bệnh án là “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng” nhưng “tình trạng người bệnh là tỉnh, tiếp xúc được”. Cũng chính lý do này mà phường 5, quận 11 tiếp tục cho Giang làm bảo vệ dân phố.

Ngay sau khi bị bắt tạm giam, Giang khai rằng mình thường trực tại chốt bảo vệ dân phố nằm đối diện với nhà của cháu K. Giang thường xuyên chơi đùa cùng K. và em gái của K. Theo khai nhận, Giang cũng thường mua quà bánh cho anh em K. ăn. Tuy nhiên, 1 tuần trước khi ra tay sát hại cháu K., Giang thường xuyên nghe văng vẳng bên tai cháu K. chửi mình là đồ ăn trộm, độc ác… Chính vì sự hoang tưởng này mà Giang nghĩ đến việc sát hại cháu K. nhằm khỏi phải nghe chửi mình. 13h chiều 26/11, Giang ra tay hành động dẫn đến cái chết oan ức của cháu K.

Vụ bảo vệ dân phố sát hại bé 6 tuổi: Trách nhiệm không thể chỉ là kẻ thủ ác ảnh 1 Hiện trường vụ án.

Chính quyền liên đới!

Trao đổi với Tiền Phong về việc đối tượng gây án có tiền sử bệnh tâm thần, luật sư Đỗ Hải Bình- Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, qua theo dõi vụ việc ở thời điểm gây án, Giang mặc đồ dân phòng và ngồi trong chốt bước ra gây án. Giang cũng được xác định là làm “dân phòng thường trực ở chốt”. “Như vậy đối tượng đang thi hành công vụ”- luật sư Bình nói và nhìn nhận chính quyền phường 5, quận 11 sẽ liên đới trách nhiệm, trước hết về dân sự. “Còn nghi can Giang đã có tiền sử bệnh án, nếu lúc xin việc có nói rõ nhưng phường vẫn nhận, điều này là sự tắc trách, phải xem xét trách nhiệm cá nhân ai là người tuyển dụng.  Nếu việc tuyển dụng này là tập thể thì cũng cần làm rõ”- luật sư Bình đề nghị.

Ngoài ra, theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ, bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy phường, sự giám sát của Hội đồng nhân dân phường, sự quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân phường… nên ngoài chịu trách nhiệm trong vụ án, phường và các đơn vị khác còn phải chịu liên đới vì sao để một dân phòng có tiền sử tâm thần như thế công tác suốt 4 năm qua.

Luật sư Trần Văn Tài- Đoàn luật sư TPHCM phân tích: Với những vụ án “giết người vô cớ” như trường hợp của Giang, đa phần cơ quan điều tra, dù không có yêu cầu thì vẫn có thể chủ động giám định tâm thần đối tượng. Ngoài ra, nếu kết quả giám định theo kiểu “tâm thần nhẹ”, “lúc tỉnh, lúc mơ” thì việc xác định vào thời điểm gây án, nghi can “tỉnh hay mơ” là rất quan trọng, quyết định tới hình phạt mà nghi can phải chịu.

Đề cập trách nhiệm cơ quan từng xác nhận bệnh tình của Hoàng Nhất Giang là “ổn định và cho về nhà điều trị” (cụ thể là Bệnh viện tâm thần TPHCM), Luật sư Nguyễn Văn Tài nói rằng, diễn biến bệnh án của bệnh nhân vào thời điểm đó nếu đúng như vậy thì bệnh viện xác nhận, còn về nhà tái phát bệnh lại là chuyện khác. “Bệnh viện chỉ chịu trách nhiệm nếu làm việc thiếu trách nhiệm khi xác nhận, hoặc xác nhận sai sự thật” – ông Tài phân tích.

Từ chối tiếp báo chí

Liên quan đến vụ việc, trong ngày 28/11, phóng viên liên hệ 1 số cơ quan liên quan thuộc phường 5, quận 11 nhằm đảm bảo thông tin hai chiều, góp phần làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên các đơn vị thuộc phường từ chối tiếp phóng viên vì lãnh đạo “bận”.  Riêng trực Ban Công an phường 5, quận 11 (TPHCM) khi tiếp báo chí đều có câu trả lời chung là không thể cung cấp gì thêm vì vụ án đang trong giai đoạn điều tra.

Theo ThS, BS Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Giám định Tâm thần Pháp y TPHCM), những âm thanh bé trai chửi bới vang lên trong đầu đối tượng Giang là ảo thanh (một trong những dấu hiệu thường gặp  của bệnh tâm thần phân liệt hoặc do sử dụng ma túy đá) gây ra. Ảo thanh là những âm thanh ảo, không hề có thật trong thực tại. Nội dung của ảo thanh rất đa dạng: lời bình phẩm, chê bai, khen ngợi, chế giễu,… và nguy hiểm nhất là ảo thanh ra mệnh lệnh. Lúc này, người bệnh sẽ nghe trong tai vang lên những mệnh lệnh và nhất định phải làm theo mệnh lệnh ấy. “Đã có rất nhiều vụ án mạng thương tâm xảy ra chỉ vì người bệnh nghe thấy âm thanh bảo phải giết người. Dù nguy hiểm nhưng thực chất khó để điều trị biểu hiện ảo thanh ở người tâm thần phân liệt, tỉ lệ thành công từ trước đến nay là rất thấp”, BS Quang cho biết.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.