Vụ 43ha đất vàng lọt tay tư nhân: Bắt Tổng giám đốc Cty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
Các bị can trong vụ án. Ảnh: C.A
Các bị can trong vụ án. Ảnh: C.A
TPO - Ngày 24/11, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã ra các quyết định khởi tố, bắt tạm giam thêm 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2).

Mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty 3/2, C03, Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét đối với 4 bị can về tội danh nêu trên.

Các bị can, gồm: Hồ Đắc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam; Hà Văn Thuận, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương; Nguyễn Kim Liên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và Vũ Thị Lợi, nguyên Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện là Phó Phòng Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương.

Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến việc điều tra bổ sung vụ án theo yêu cầu trả hồ sơ của Viện KSND Tối cao.

Theo hồ sơ của Cơ quan điều tra, cựu Bí thư tỉnh uỷ Trần Văn Nam cùng hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có nhiều sai phạm để “đất vàng” rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại tài sản nhà nước cả ngàn tỷ đồng.

Các ông Trần Văn Nam; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương… bị đề nghị truy tố trong vụ án bán rẻ "43ha đất vàng" của Tổng Công ty 3/2.

Cụ thể, năm 2010, ông Nam được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phụ trách lĩnh vực giao thông, đất đai. Trong giai đoạn giữ chức Phó chủ tịch, ông Nam biết rõ tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách nhà nước, bảng giá đất hằng năm được UBND tỉnh ban hành là căn cứ để tính tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên năm 2012, ông Nam vẫn ký ban hành công văn chấp thuận giá đất dịch vụ tại khu liên hợp là hơn 51.000 đồng/m2 để Cục Thuế tính tiền sử dụng đất đối với khu 43ha và 145ha được giao cho Tổng công ty 3/2.

Theo C03, đây là mức giá đất bình quân được UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 2006. Cơ quan điều tra cáo buộc hành vi trên của cựu Bí thư Trần Văn Nam trái quy định pháp luật, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

Trong giai đoạn giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khi cổ phần hóa Tổng công ty 3-2, bị can Trần Văn Nam đã chủ trì tổ chức họp thường trực Tỉnh ủy, phê duyệt phương án sử dụng đất của đơn vị.

Theo đó, khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.

Đến tháng 4/2017, dù biết Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về Công ty Impco trái chủ trương Tỉnh ủy, trái quy định pháp luật nhưng ông Nam không thực hiện các biện pháp quản lý để bảo toàn vốn của Nhà nước.

Ngoài ra ông Nam còn tổ chức cuộc họp thường trực Tỉnh ủy để thống nhất và quyết định cho Tổng công ty 3/2 tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp vào Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43ha từ Nhà nước sang tư nhân. Hành vi này của ông Nam bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 302 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng, bị can Trần Văn Nam đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc áp giá đất để tính thu tiền sử dụng đất và hành vi tạo điều kiện để Tổng công ty 3/2 hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43ha từ nhà nước sang tư nhân gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 1.063 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định bị can Trần Văn Nam là người chỉ đạo điều hành, vừa là người thực hiện phạm tội, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền đặc biệt lớn.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.