VPF sẽ là cỗ máy kiếm tiền siêu lợi nhuận

VPF sẽ là cỗ máy kiếm tiền siêu lợi nhuận
TP - Ba mươi tỷ đồng tài trợ/mùa giải của Eximbank, hay sáu tỷ đồng từ hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG (337,6 tỷ đồng tổng giá trị trong 20 năm) chỉ là khoản nhỏ, nếu so với doanh thu trong tương lai VPF dự tính có thể thu.

Bộ VH-TT&DL ủng hộ thành lập VPF
> 'Bản quyền truyền hình V-League thuộc VFF'

Ngoài hai khoản kể trên, thì cộng cả tiền đăng ký thi đấu mỗi năm của các CLB V.League (hiện là 500 triệu đồng/1 CLB) và hạng Nhất (200 triệu đồng/CLB), tiền thẻ phạt, án kỷ luật… mỗi năm sơ sơ VPF cũng “bỏ túi” trên dưới năm mươi tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là khoản nhỏ.

Không phải ngẫu nhiên trong hội nghị 28 CLB, “bầu” Kiên và các ông chủ khác lại tự tin khẳng định, có đủ khả năng để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động cho VFF, để liên đoàn yên tâm tập trung cho ĐTQG và đào tạo trẻ.

Theo phân tích của một lãnh đạo VFF, khoản tiền 6 tỷ đồng/mùa giải (lũy tiến 10% theo từng năm, đạt tổng giá trị trong 20 năm là 337,6 tỷ đồng) thu từ hợp đồng bán bản quyền V.League cho AVG (Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu), tưởng lớn, nhưng thực chất chỉ là… phụ, nếu so với doanh thu quảng cáo trong tương lai. Con số dự tính là…không tính được, xét trong điều kiện AVG khi đó giành độc quyền đối với Thương quyền V.League.

Theo hợp đồng với AVG, thì VFF sẽ được hưởng thêm 20% doanh thu thực tế của AVG (doanh thu - chi phí bán hàng x 20%) từ khai thác Thương quyền bóng đá. Khoản này bao gồm: (i) hoạt động nhượng quyền khai thác, kinh doanh một phần hoặc toàn bộ Thương quyền cho bên thứ 3; (ii) quảng cáo, tài trợ thương mại và các loại hình tương tự gắn liền với các giải bóng đá và các sự kiện, thông tin bên lề; (iii) bán bản quyền chương trình cho các đài truyền hình, bao gồm cả AVG; (iiii) doanh thu mà AVG thực tế thu được từ phí bản quyền chương trình từ bên thứ ba, tài trợ, quảng cáo thương mại, và các loại hình tương tự khác gắn liền với các giải bóng đá, và các sự kiện, thông tin bên lề (không bao gồm doanh thu từ phí xem chương trình truyền hình tính cho người tiêu dùng dưới các hình thức như phí thuê bao trả trước, trả sau, phí xem kênh, chương trình hoặc các hình thức tương tự khác).

Đến đây thì có thể hiểu vì sao, chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên ra yêu cầu mạnh mẽ đến thế, về việc VFF cần phải xem xét lại vấn đề ký hợp đồng độc quyền bản quyền truyền hình cho AVG. Dĩ nhiên, dư luận hẳn có lý khi cho rằng VFF đã bị “hớ” khi ký hợp đồng với các điều khoản kể trên với AVG.

Chưa hết. Nếu đúng như phát biểu của chủ tịch CLB bóng đá HA.GL Đoàn Nguyên Đức trên báo Thanh Niên mới đây, thì với việc VPF được thành lập, và đề án cá cược bóng đá được thông qua, “VPF sẽ nắm luôn”.

Nhắc lại một chút là tại thời điểm soạn thảo đề án cá cược bóng đá cách đây 5 năm (2006), Phó chủ nhiệm UBTDTT khi ấy, ông Huỳnh Vĩnh Ái từng tính toán, mỗi năm doanh thu từ hoạt động cá cược có thể đem lại 700-800 tỷ đồng.

Cũng thời điểm trên, khi sang làm việc với VN, đại diện LĐBĐ và một hãng cá cược của Singapore đã đưa ra con số 200 triệu đô la Singapore/năm. Con số này sau 5 năm chắc chắn đã “lạc hậu”.

Tuy nhiên, nói thêm là do lo ngại VFF “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Chính phủ sau đấy đã chuyển giao đề án trên sang Bộ Tài chính và Bộ Công an. Đây cũng là lý do khiến VFF không thực sự mặn mà khi nhắc đến chuyện hợp pháp hóa hoạt động cá cược bóng đá thời gian vừa qua.

Chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL cùng Tổng cục TDTT về việc VFF phải chủ động trong quá trình xây dựng đề án thành lập VPF, không phải không có cơ sở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG