Vớt được tượng nữ thần trị giá 7,5 tỷ trên sông Cổ Chiên

TPO - Trong qua trình khai thác cát trên sông Cổ Chiên, một người đàn ông ở Vĩnh Long phát hiện pho tượng cổ, có niên đại khoảng thế kỷ VI-VII… trị giá 7,5 tỷ đồng.

Ngày 9/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ công bố Quyết định tặng bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long cho cá nhân phát hiện và tự nguyện giao nộp cổ vật tượng nữ thần Sarawati.

Vớt được tượng nữ thần trị giá 7,5 tỷ trên sông Cổ Chiên ảnh 1 Hai cá nhân nộp pho tượng cổ quý hiếm, được UBND tỉnh Vĩnh Long tặng thưởng 75 triệu đồng.

Theo đó, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long được trao tặng cho Đại đức Thích Đức Hiền (trụ trì chùa Phước An, ngụ ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) và ông Lê Văn Thông (ngụ ấp 3, xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cùng số tiền thưởng 75 triệu đồng.

Trước đó, trong quá trình khai thác cát trên sông Cổ Chiên, ông Thông phát hiện pho tượng cổ bằng đá sa thạch có chiều cao 140cm, thân tượng cao 113cm và mang đến tặng chùa. Sau đó, ông Thông và đại diện chùa đã đồng ý giao pho tượng cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long quản lý.

Qua thẩm định, Hội đồng thống nhất kết luận tên gọi pho tượng là tượng nữ thần Sarasvati, vợ của thần Brahma. Đây là một tượng quý ở Đông Nam Á chưa tìm thấy. Theo hội đồng thẩm định, pho tượng nữ thần này trị giá 7,5 tỷ đồng.

Vớt được tượng nữ thần trị giá 7,5 tỷ trên sông Cổ Chiên ảnh 2 Pho tượng cổ có niên đại khoảng thế kỷ VI - VII - Ảnh PV.

Tượng có niên đại khoảng thế kỷ VI-VII, khung đỡ tượng hình chữ U rất chắc chắn; thân tượng bị gãy tay phải một đoạn, tay trái cầm bình kendy tạo nước thánh mang ý nghĩa tạo mầm sống, mang đến sự tốt lành cho cư dân và rửa đi mọi tội lỗi tương tự như ở Ấn Độ có nữ thần sông Hằng; bệ tượng bị vỡ một mảng.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, tượng Nữ thần Saraswati lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam, là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng như lịch sử Việt Nam. Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam, Ấn Độ và Đông-Nam Á.  Đồng thời cũng góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử du nhập của văn hóa, tôn giáo Ấn Độ vào Việt Nam.

MỚI - NÓNG