Vốn hóa doanh nghiệp ôm đất Thủ Thiêm tăng hàng nghìn tỷ đồng: Ai được lợi?

0:00 / 0:00
0:00
CII là một trong những đại gia sở hữu quỹ đất lớn nhất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Ảnh: Chí Hùng.
CII là một trong những đại gia sở hữu quỹ đất lớn nhất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Ảnh: Chí Hùng.
Chỉ hơn một tuần sau sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm, vốn hóa các công ty có quỹ đất tại khu vực này tăng hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, CII là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất.

Là một trong những doanh nghiệp phụ trách xây dựng và phát triển hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) thông qua các hợp đồng BT, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đang sở hữu quỹ đất lớn tại khu đô thị này.

CII cũng là doanh nghiệp đang hưởng lợi nhiều nhất từ sự kiện đấu giá đất tại Thủ Thiêm thu về số tiền cao kỷ lục.

Cụ thể, một ngày trước khi phiên đấu giá diễn ra (9/12), thị giá cổ phiếu CII mới giao dịch ở mức 26.750 đồng/đơn vị. Dù cao hơn 20% so với đầu năm, nhưng ở thời điểm này, giá CII đang trong xu hướng giảm từ đỉnh 31.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 11.

Lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng

Tuy nhiên, sau khi phiên đấu giá đất Thủ Thiêm diễn ra ngày 10/12 với việc 4 lô đất thuộc khu chức năng được bán với giá lên tới hơn 37.000 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm, giá cổ phiếu CII đã tăng mạnh từ đó đến nay.

Trong 6 phiên giao dịch gần nhất, CII ghi nhận 5 phiên tăng điểm mạnh, với 3 phiên tăng kịch trần (7%). Hiện CII được giao dịch ở mức 36.000 đồng/cổ phiếu, tăng tương ứng 34% chỉ sau hơn 1 tuần. Đây cũng là mức giá cao nhất mà CII giao dịch kể từ tháng 2/2018.

Vốn hóa doanh nghiệp ôm đất Thủ Thiêm tăng hàng nghìn tỷ đồng: Ai được lợi? ảnh 1
Giá cổ phiếu CII tăng vọt sau sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm (ngày 10/12), đẩy vốn hóa doanh nghiệp tăng thêm gần 2.600 tỷ đồng. Nguồn: Tradingview.

Đà tăng này cũng đưa vốn hóa CII lần đầu vượt mức 10.000 tỷ đồng trong năm nay. So với thời khi phiên đấu giá đất Thủ Thiêm diễn ra, vốn hóa doanh nghiệp bất động sản này đã tăng xấp xỉ 2.600 tỷ đồng.

CII là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất tại Thủ Thiêm. Trong đó, quỹ đất của CII có được chủ yếu thông qua các hợp đồng BT mà công ty thực hiện để xây dựng hạ tầng cho khu đô thị.

Doanh nghiệp này thậm chí còn thành lập riêng một công ty con chỉ để phát triển các dự án tại khu đô thị này. Đó là Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (vốn 1.500 tỷ đồng)

Thông qua Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm, CII sở hữu dự án BT đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng vốn đầu tư 2.642 tỷ đồng.

Đại gia đất Thủ Thiêm

Để hoàn vốn cho dự án, CII được UBND TP.HCM giao cho hơn 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và hơn 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng) thuộc khu dân cư 3 và 4 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện CII cũng đang là chủ đầu tư của một loạt các dự án căn hộ, nhà phố và shophouse tại khu đô thị này như dự án Thủ Thiêm Lakeview. Dự án bao gồm 5 lô đất được đánh số từ Lake View 1 đến Lake View 5 và xây dựng tại khu 3 và 4.

CII cho biết công ty đã bàn giao dự án Lakeview 1 (lô 3-1) và Lakeview 2 (lô 4-7) trong giai đoạn 2018-2019. Trong năm 2020, Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm đã cất nóc dự án D’Verano (lô đất 3-2) và dự kiến hoàn thành cũng như bàn giao dự án vào năm 2021.

Đối với các lô đất 4-8 và 3-6, công ty này đang hoàn thành hồ sơ pháp lý nhằm khởi động dự án và dự kiến bàn giao nhà trong năm 2022.

CII cũng sở hữu các dự án nhà ở chung cư tại lô đất 3-15 và 3-16. Tuy nhiên, năm 2020, công ty đã chuyển nhượng toàn bộ dự án The River Thủ Thiêm tại lô 3-15 cho đối tác chiến lược.

Ngoài ra, CII còn gói xây dựng XL1 và XL2 - Thủ Thiêm đã được Sở Giao thông vận tải chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng đường trục Bắc - Nam (đường R14). Và một phần còn lại của dự án chưa được phê duyệt do vướng mặt bằng thi công đường R11 đoạn từ đầu tuyến đến Km0+180 và nút R14 giao đường D2.

Cùng với CII, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng là doanh nghiệp hưởng lợi từ sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm diễn ra mới đây. Dù không sở hữu bất kỳ dự án nào tại khu đô thị này, nhưng NBB lại chính là công ty con do CII nắm hơn 93,48% vốn.

Trước sự kiện đấu giá, cổ phiếu NBB được giao dịch ở mức 36.550 đồng/đơn vị, đến nay giá cổ phiếu này đã tăng lên mức 43.800 đồng, tương đương mức tăng ròng 24% sau hơn một tuần. Đồng thời đẩy vốn hóa doanh nghiệp bất động sản này tăng thêm gần 900 tỷ đồng.

Tương tự CII, trước khi sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm diễn ra, cổ phiếu NBB cũng đang trong xu hướng giảm hơn 30% kể từ đỉnh ghi nhận hồi đầu tháng 11.

Sở hữu một dự án tại Thủ Thiêm là De Capella (rộng 4.700 m2), vốn hóa của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng đã tăng hơn 850 tỷ đồng chỉ sau một tuần sự kiện đấu giá đất diễn ra.

Cụ thể, giá cổ phiếu QCG đã tăng một mạch từ 12.900 đồng lên 15.300 đồng/đơn vị, tương đương mức tăng ròng 24% sau hơn một tuần. Điều này đã đẩy vốn hóa của đại gia bất động sản phố núi tăng lên hơn 4.400 tỷ.


Link bài gốc:

https://zingnews.vn/von-hoa-doanh-nghiep-om-dat-thu-thiem-tang-hang-nghin-ty-dong-post1284146.html

Theo Quang Thắng/Báo Zing
MỚI - NÓNG