Vụ bê bối bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước khi hãng ô tô Đức thừa nhận họ đã dùng phần mềm ở Mỹ để đưa ra kết quả kiểm tra sai lệch về mức độ khí thải của xe. Ủy ban giám sát của hãng xe hơi lớn nhất châu Âu sẽ họp trong hôm nay (25/9) để quyết định người kế nhiệm tổng giám đốc điều hành Martin Winterkorn, người từ chức hôm 23/9. Ông Winterkorn bị buộc phải từ chức sau một cuộc họp khẩn cấp suốt 8 giờ tại trụ sở của hãng.
Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, Ủy ban sẽ đưa ra kết luận điều tra ban đầu về vấn đề ai phải chịu trách nhiệm việc lập trình để gian lận về phát thải. Những người quản lý cấp cao nhất của hãng sẽ bị sa thải, ngay cả khi họ không biết về sự lừa dối này. Khi từ chức, ông Winterkorn chối bỏ đã làm sai, nhưng nói rằng công ty cần một khởi đầu mới. “Sẽ có thêm hậu quả về nhân sự trong những ngày tới”, thành viên hội đồng quản trị Olaf Lies nói với kênh truyền Bavarian.
Giám đốc các thương hiệu Porsche, Audi, VW được cho là những ứng viên sáng giá nhất để kế nhiệm ông Winterkorn, BBC đưa tin. Báo chí Đức đưa tin, ông Matthias Mueller, giám đốc thương hiệu Porsche, có thể sẽ được chọn để kế nhiệm.
Gian lận cả ở châu Âu
Volkswagen cho biết 11 triệu xe hơi của hãng bán trên toàn cầu được lắp động cơ thể hiện “độ lệch đáng kể” giữa lượng phát thải khi được kiểm tra và mức độ thực tế. Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt hôm qua nói rằng, Volkswagen đã thừa nhận họ cũng sử dụng thiết bị gian lận phát thải ở châu Âu, giống như ở Mỹ.
Chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel bị cho là đã thờ ơ trước cảnh báo về gian lận phát thải khí của Volkswagen. Một văn bản của quốc hội nước này vừa khẳng định, các bộ trưởng Đức nhận được cảnh báo cách đây vài tháng v ề cái gọi là “thiết bị ăn gian” trong các động cơ diesel. Bộ Giao thông Đức thừa nhận rằng, chính quyền liên bang đã “biết từ trước về các thiết bị ăn gian nhằm gian lận trong kiểm tra phát thải”.
Ông Dobrindt nói rằng, vẫn chưa biết bao nhiêu chiếc trong số 11 triệu xe ở châu Âu có thiết bị gian lận. Các dòng xe Jetta, Beetle, Golf và Audi A3 bán ở Mỹ từ năm 2009 đến 2015 và Passat giai đoạn 2014-2015 bị lắp thêm thiết bị gian lận này. Nhưng xe chạy diesel phổ biến ở châu Âu hơn Mỹ. Volkswagen đang dành 6,5 tỷ euro để trang trải các chi phí liên quan vụ bê bối.
Các công tố viên Đức đang cân nhắc mở chiến dịch điều tra, trong khi giới chức Mỹ tuyên bố sẽ điều tra hình sự. Các nhà quản lý ở châu Âu và châu Á cho biết, họ cũng sẽ điều tra. Volkswagen sẽ phải đối mặt vấn đề pháp lý và các vụ kiện từ khách hàng bị lừa dối, báo Anh The Telegraph đưa tin. Bên cạnh đó, Volkswagen sẽ bị kiện tập thể ở Ý bởi một nhóm khách hàng phát hiện khác biệt lớn giữa thông tin quảng cáo và mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế của dòng xe VW Golf, khiến những người sử dụng loại xe này phải chi thêm khoản tiền tương đương gần 12 triệu đồng mỗi năm.
Giá cổ phiếu của Volkswagen đã tụt 20% từ khi các nhà quản lý Mỹ tuyên bố cuối tuần trước rằng, hãng này có thể bị phạt 18 tỷ USD vì gian lận phát thải. Cổ phiếu của hãng BMW cũng giảm 10% sau khi có thông tin Volkswagen gian lận. Bộ trưởng Giao thông Đức cho biết, xe của các hãng ôtô khác của Đức cũng sẽ bị kiểm tra, BBC đưa tin.