Võ thuật Trung Quốc: Hào quang phim ảnh khác xa thực tế

Tư liệu văn bản, hình ảnh về những cuộc đấu võ cổ truyền tại Trung Quốc cho thấy dường như tính thực chiến của võ thuật Trung Hoa không tồn tại, hoặc có chăng chỉ thấy trên phim.

Sự việc võ sĩ MMA (võ tổng hợp) Từ Hiểu Đông đả bại võ sư Thái Cực quyền Lôi Công đã làm dấy lên nhiều tranh luận xung quanh võ thuật truyền thống Trung Quốc. Trong lịch sử, võ thuật Trung Quốc từng nhiều lần tỏa sáng trên võ đài và lưu lại không ít tư liệu ảnh, chữ viết, thậm chí hình ảnh đáng tin cậy.

Các hình ảnh này cho thấy khả năng chiến đấu thực sự của võ thuật Trung Quốc. Theo một bài phân tích trên mạng QQ, kể từ thời cận đại, giới võ thuật Trung Quốc từng nhiều lần thực chiến trên võ đài, nhưng tất cả chỉ là trò hề.

Ôm lăn, cắn mặt, múa tay, đấm trộm

Đối với sự thể hiện của võ thuật Trung Quốc trên võ đài, các ghi chép trong sách cổ có sự khác biệt so với những lời đồn đại, hoặc thiếu chứng cứ đáng tin cậy, phần lớn mang tính chất truyền miệng. Cho đến thời cận đại, với sự xuất hiện của truyền thông đại chúng, công chúng mới có cơ hội tận mắt chứng kiến những màn đối đầu thực tế của giới võ lâm. Viện Quốc thuật Trung Hoa (nay đã ngừng hoạt động) từng hai lần tổ chức cuộc thi “Quốc thuật quốc khảo", được truyền thông ghi lại.

Tháng 10/1928, giải "Quốc thuật quốc khảo" lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Kinh, hơn 400 võ thủ tham gia. Giải đấu chia làm hai nội dung: đấu thử và đấu thật. Đấu thử tức là biểu diễn cá nhân, những ai đạt tiêu chuẩn sẽ lọt vào vòng đấu thật.

Võ thuật Trung Quốc: Hào quang phim ảnh khác xa thực tế ảnh 1 Hình ảnh tư liệu về giải "Quốc thuật quốc khảo" năm 1928 tổ chức tại Nam Kinh, thời Trung Hoa Dân Quốc. Ảnh: Baike.

Trong vòng đấu thật, các võ thủ phân đội bằng cách rút thăm, sau đó tiến hành đấu loại. Chỉ cần bàn tay, khuỷu tay, chân... đánh trúng đối phương là có thể ghi được một điểm. Ghi được 2 trên 3 điểm trước sẽ giành chiến thắng; hoặc thắng bằng cách hạ "knock out" đối phương.

Lúc đó, tờ Thân Báo (Shun Pao) đã liên tiếp đưa tin về giải đấu này. Như trong ngày thi đấu thứ ba, báo đưa tin “thí sinh Mạnh Đường Xuân thất bại nhưng không phục, cắn vào mặt đối thủ, máu chảy lênh láng”. Trong suốt giải đấu, nhiều lần hai võ thủ giằng co rất lâu, thậm chí có tình trạng ôm nhau lăn trên sàn, "tưởng tượng lãng mạn hóa của khán giả đối với võ thuật hoàn toàn tan nát".

Tháng 10/1933, "Quốc thuật quốc khảo" lần hai được tổ chức khoa học hơn về nguyên tắc, võ thủ phân đội theo cân nặng và quy định phải sử dụng găng tay. Khi đó, ký giả Điền Chấn Phong viết trên nguyệt san Cầu Thị như sau:

“Khi thi đấu binh khí ngắn, tôi đã để ý mấy ngày, nếu nói thực sự hay, thể hiện được kỹ thuật, thì có thể nói không hề có. Khi thi đấu binh khí dài thì có một vài thí sinh thể hiện được khả năng. Kết quả của cuộc đấu quyền lại càng thảm hại hơn. Còn thi đấu vật, xem không bằng judo của Nhật".

"Trong khi đấu vũ khí ngắn, ai nấy đều cầm chiếc gậy ngắn nhàm chán, hai người lên võ đài, nếu không múa tay thì cắn xé nhau, còn lại chỉ là giằng co nhau. Chung kết chắc chắn phải hay rồi, hay như vậy đó!”, ký giả họ Điền bình luận đầy mỉa mai.

Không khác nông phu khua chân múa tay

Đến nay, hình ảnh được truyền đi rộng rãi nhất về thi đấu võ thuật truyền thống Trung Quốc là cuộc “Ngô Trần tỉ võ” được tổ chức ở Macau năm 1954. Tông sư Thái Cực quyền Ngô Công Nghi và võ sư nổi tiếng của Bạch Hạc quyền Trần Khắc Phu đã giao đấu.

Trong lịch sử Thái Cực quyền, đây là trận đấu đầu tiên được ghi chép lại, thậm chí có cả hình ảnh, video. Trần Khắc Phu sau đó chia sẻ rằng “ở vòng đấu một, hai bên đấu thăm dò trước, công thủ tương hỗ, nhưng không tấn công kịch liệt. Song khi tiếng chuông của vòng thứ hai vang lên, cả hai bắt đầu tấn công”.

Khi đó, tin mà tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) của Hong Kong đưa về cuộc đấu này được viết rất sôi động. Ví dụ, vòng đấu thứ hai của cuộc đấu mô tả như sau:

“Trần Khắc Phu bỗng nhiên dùng 'Liêu Âm chùy', dùng lực vung về phía Ngô Công Nghi. Ngô Công Nghi uốn lưng, vươn người về phía trước, nhưng vẫn bị 'Liêu Âm chùy' của Trần Khắc Phu đánh trúng bụng. Tiếp đó, Ngô Công Nghi tung ra một đòn 'Thất Tinh chùy', tay phải đánh trúng sống mũi của Trần Khắc Phu. Mũi của Trần Khắc Phu lập tức chảy máu lênh láng. Dưới võ đài, khán giả hò la náo nhiệt".

Võ thuật Trung Quốc: Hào quang phim ảnh khác xa thực tế ảnh 2 Trần Khắc Phu (trái) bị Ngô Công Nghi đánh vỡ mũi, áo trắng vương vết máu, trong trận tỉ thí năm 1954 tại Macau. Ảnh: Macau Daily.

Thực tế, đoạn băng quay lại cuộc đấu không hề cho thấy hai võ sư tung ra chiêu thức đặc biệt nào của Thái Cực quyền hay Bạch Hạc quyền. “Liêu Âm chùy” thực chất chỉ là cái đạp chân, còn “Thất Tinh chùy” không khác gì một nông phu đang khua tay. Rõ ràng, thứ võ thuật mà Ngô Công Nghi và Trần Khắc Phu vẫn luyện hàng ngày thiếu rất nhiều kĩ thuật đối kháng thực tế.

Cuối cùng, với lí do thí sinh phạm quy, các trọng tài thảo luận gấp, bỏ phiếu quyết định dừng trận đấu. Trọng tài chính Hà Hiền Tuyên tuyên bố trận đấu kết thúc, hai bên “không thắng, không hòa cũng không thua".

Điều khiến người ta ngạc nhiên là trận đấu “Ngô Trần tỉ võ” nhàm chán này đã tạo ra những tác động sâu sắc. Lương Vũ Sinh khi thấy người Hong Kong đặc biệt yêu thích võ thuật, đã viết cuốn “Long hổ đấu kinh hoa”, mở ra một trường phái tiểu thuyết võ hiệp mới.

Năm sau đó, Kim Dung cũng bắt đầu ra mắt bộ tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên là “Thư kiếm ân thù lục”. Qua “đại hội tỉ võ từ thiện” nói trên, hai người Ngô, Trần cũng đã quyên góp được 270.000 tệ.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG