Cô nhân viên kế toán 30 tuổi Thanh Hằng (Pháp Vân, Hà Nội) kể, vợ chồng cô từng rất yêu và phải vượt qua nhiều khó khăn mới đến được với nhau. Trong khi Minh đi du học rồi công tác xa liên miên, Hằng ở nhà chịu nhiều áp lực từ gia đình vì đã nhiều tuổi vẫn chưa chịu lập gia đình. Dù vậy, cô vẫn nhẫn nại đợi người yêu và tin mình sẽ hạnh phúc bên chàng trai chu đáo, biết quan tâm như Minh.
"Hồi đó hai đứa hay phải xa nhau, anh thường xuyên viết thư điện tử, nhắn tin, gọi điện hỏi han, bày tỏ sự nhớ nhung, yêu thương với mình. Có lần, mình ốm, anh đang công tác cách Hà Nội cả trăm km mà cũng lặn lội về ngay. Thế mà... ", Hằng chia sẻ.
Cô cho biết, sau khi Minh chuyển công tác về gần, hai người làm đám cưới và về ở chung với nhà chồng. Từ đây, những mâu thuẫn vụn vặt bắt đầu nảy sinh và khiến cả hai dần xa nhau. Hằng cảm thấy chồng không còn yêu và quan tâm đến mình như trước. Cô hay giận dỗi, khóc lóc mỗi khi Minh đi nhậu, tiếp khách về muộn, bỏ mặc cô một mình với bố mẹ và cậu em chồng. Anh thì hay bực tức, gắt gỏng mỗi khi cô hạch họe, trách móc hay nghe người nhà mình ca thán nàng dâu mới "mặt nặng như chì, chả biết quan tâm đến ai".
"Có những đêm tủi thân vô cùng khi hai đứa vừa cãi nhau, mình khóc còn chồng quay lưng ngủ. Có lúc mình ốm anh ta cũng chẳng hỏi han chi... Hai đứa cãi nhau từ những chuyện nhỏ như không ai chịu buông màn tới việc lớn là đối xử với gia đình hai bên... Mệt mỏi quá nên quyết định buông tay", Hằng thổ lộ.
Vài lần từng nghĩ tới chuyện ly hôn dù mới cưới nhau được 9 tháng, lý do của Ngọc Hà (Thanh Nhàn, Hà Nội) cũng là cô cảm thấy chồng như một người khác khi về chung sống. "Khi yêu, trong mắt mình, anh ấy là chàng trai nhà nghèo đầy ý chí vươn lên, lấy về rồi, mình thấy anh ta trẻ con, an phận. Ở nhà thì hơi tí là tự ái với vợ, đi làm thì bám mãi cái việc chẳng có cơ hội thăng tiến gì, bảo học lên cao thì kêu ngại...", Hà nói.
Cô gái 26 tuổi cho biết, dù con nhà khá giả nhưng cô luôn có ý thức tự lập từ bé, cũng không ngại khi phải sống trong điều kiện khó khăn ở nhà chồng nhưng cô không chấp nhận được kiểu "sống dật dờ, chẳng có kế hoạch cho tương lai" của chồng cũng như gia đình anh.
Cũng mới cưới nhau chưa đầy năm nhưng anh Hải (Kim Mã, Hà Nội) cảm thấy thất vọng về vợ và ngột ngạt trong cuộc sống hôn nhân. "Cô gái dịu dàng, chỉn chu tôi yêu như thành một người hoàn toàn khác sau cưới. Cô ấy đã đoảng việc nhà, còn hiếu thắng, hơi tí là gân cổ cãi, đòi quyền lợi", anh Hải than thở.
Ông chồng trẻ cho biết, anh không phải người cổ lỗ, bắt vợ phải phục vụ mình hay một mực nghe lời chồng. Anh không ngại chuyện vào bếp giúp vợ hay dọn dẹp nhà cửa nhưng rất bực bội khi thấy chị không có ý thức sạch sẽ, hay sai vặt chồng, hễ anh nhắc làm gì là trách móc, quy kết "gia trưởng, thích chỉ đạo".
Không những thế, theo lời anh Hải, anh chán nhất là phát hiện vợ mình rất thực dụng và "kỳ thị" người nhà chồng ở quê lâu lâu ra chơi. "Người nào giàu có, dễ mang lại lợi ích thì cô ấy giả lả cười nói, thể hiện quan tâm, ai nghèo nghèo thì cô ấy lạnh nhạt, hờ hững lắm, kể cả anh em trong nhà. Thấy vợ như vậy, mình thực sự sợ", anh chia sẻ.
Theo thạc sĩ tâm lý, bác sĩ Nguyễn Lan Hải, những trường hợp trên đều là minh chứng của hội chứng khủng hoảng hậu kết hôn, xảy ra ở hầu hết các đôi, không chỉ ở những cặp đến với hôn nhân vội vã hay cố tình lừa nhau mà cả những người đã có tình cảm bền chặt, chín chắn...
Nhà tâm lý cho rằng, lý do đầu tiên phải kể đến là, các đôi khi yêu nhau thường thiên về cảm xúc lãng mạn, dễ ảo tưởng về hôn nhân nên có thể "vỡ mộng" khi vấp vào những vấn đề thực tế khi sống chung. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ khi yêu thường chăm chăm đến những thứ bề ngoài (vóc dáng cao ráo, đôi chân dài, sự hào phóng qua những bữa ăn, món quà tặng...) mà bỏ qua yếu tố "tìm" để thực sự "hiểu" về nhau. Quá trình tìm để hiểu này có thể là 2 năm, 6 năm nhưng cũng có thể chỉ hai tuần.
"Thời gian không quan trọng bởi khi hai bên cởi mở, có thiện chí, không 'diễn' thì chỉ cần thời gian ngắn, với những chú ý cần thiết là có thể hiểu về nhau. Cần tìm hiểu không chỉ người ấy mà cả về gia đình và các mối quan hệ của họ, cách giáo dục trong gia đình, thái độ của họ thế nào với cuộc sống, với công việc, tiền bạc, với lỗi lầm, niềm tin, nền tảng đạo đức...", bà Lan Hải nhắn nhủ.
Theo bà, một điều quan trọng nữa là trước khi bước vào hôn nhân, chính bạn phải là một người đã thực sự trưởng thành, biết rõ mình muốn gì, coi trọng điều gì và tìm một người tương đồng. Nếu bạn là người độc lập, thích người có chí tiến thủ nhưng lại chọn người chây ì, an phận; bạn coi trọng tình nghĩa, sự chân thành nhưng lại chọn người thực dụng, khôn lỏi... thì chắc chắn sẽ có lúc vỡ mộng.
Nhà tâm lý đúc kết, có 3 "cái thiếu" khiến các đôi mới cưới dễ chán nhau và nảy sinh mâu thuẫn khó giải quyết là:
- Thiếu "vốn" về kiến thức giới tính, tâm lý, những khác biệt giữa hai giới... từ đó dễ thất vọng về bạn đời trong hôn nhân. Họ không hiểu "đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim" với những khác biệt rất rõ mà nếu không hiểu, dễ xung đột và khó hòa hợp với nhau.
- Thiếu các kỹ năng trong cuộc sống chung, đó là kỹ năng nhường nhịn, lắng nghe, bày tỏ, kỹ năng cãi nhau... Có những bạn rất giỏi các kỹ năng thuyết trình, đàm phán trong công việc... nhưng lại áp dụng sai trong cuộc sống gia đình, bởi họ không hiểu khi vợ chồng cãi nhau dù ai thắng thì cũng đều trở thành thua bởi việc khăng khăng giữ ý mình, chỉ trích người khác chỉ làm tình cảm sứt mẻ, gây tổn thương cho nhau.
- Cái thiếu thứ ba chính là tài chính. Khi kết hôn, hai người trẻ thường mới gây dựng sự nghiệp, kinh tế còn khó khăn hoặc một số bạn quen sống dựa dẫm vào bố mẹ... dẫn đến những thất vọng, chán nản khi đối mặt với sự thiếu thốn lúc có gia đình riêng.
"Ngoài tình yêu, hãy trang bị kiến thức, kỹ năng, tài chính vững chắc khi xây đắp gia đình. Một cuộc hôn nhân có nền tảng tốt chính là khi hai người trẻ đã có khả năng sống độc lập nhưng chọn chung sống với nhau", bà Lan Hải chia sẻ.
Bà cho rằng, các kiến thức về đời sống hôn nhân có thể học từ gia đình, cộng đồng, trường học và chính mình, qua hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách, lắng nghe tư vấn hay tham gia các khóa học tiền hôn nhân... Những bạn trẻ Công giáo trước khi kết hôn thường phải tham gia một khóa giáo lý hôn nhân - nghe các chuyên gia về tâm lý, sức khỏe, phụ huynh... chia sẻ về các kiến thức về giới, giới tính, sinh sản, ứng xử với các mối quan hệ mới như mẹ chồng nàng dâu, cách tiết kiệm tiền...
"Thường các bạn ấy cũng không mấy hứng thú với các thông tin này và khá hời hợt thu nhận chúng, họ chỉ mong mau học xong để được... lấy nhau. Nhưng thực tế, các kiến thức đó chắc chắn hữu ích cho cuộc sống sau này của họ, lúc các bạn đương đầu thực sự với các vấn đề đã được cảnh báo", bà Lan Hải nói.
Theo bà, tất cả sự học hỏi này là cần thiết nhưng trước hết, mỗi người phải có động lực để tiếp nhận các thông tin, đó chính là lòng yêu thương, sẵn sàng vun vén cho cuộc sống chung. Nếu một người ích kỷ, chỉ biết yêu mình, đòi hỏi người khác luôn phải theo ý mình thì khó mở lòng học những kiến thức này và áp dụng vào cuộc sống sau hôn nhân. "Nhiều bạn hão huyền tình yêu là vô điều kiện, thực chất, tình yêu trong hôn nhân là có điều kiện, đó là mối quan hệ song phương, có qua có lại, người này cho, người kia nhận. Nếu một người hy sinh mãi không được đáp lại sẽ đến lúc cảm thấy mệt mỏi, thất vọng, muốn chấm dứt", bà nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Thủy, chuyên gia về sức khỏe sinh sản, giảng viên đào tạo kỹ năng sống, cũng từng tham gia giảng dạy trong nhiều khóa tiền hôn nhân chia sẻ, hầu như bất cứ người nào bà gặp cũng từng có khủng hoảng sau kết hôn. "Câu đầu tiên tôi hay nói với các bạn tham gia lớp học tiền hôn nhân là, 'người các bạn đang lắng nghe, được giới thiệu là có gia đình rất hạnh phúc, thành công, cũng từng thất vọng vô cùng về hôn nhân sau đám cưới và không ít lần muốn viết đơn ly hôn' - để chứng minh rằng, trục trặc, khủng hoảng sau kết hôn là điều không ai tránh khỏi, chỉ có điều mức độ nặng hay nhẹ và cách các đôi đối mặt, vượt qua như thế nào", bác sĩ Thủy bày tỏ.
Theo bà, ít bạn trẻ hiểu rằng cuộc sống hôn nhân cần phải có những hành trang đặc biệt vì vậy những cặp vợ chồng mới cưới gặp phải những trục trặc là điều rất phổ biến. Một lý do khác là, thế hệ 8X, 9X được sinh ra và lớn lên khi nền kinh tế đã có phần khấm khá, được cha mẹ hết mực chăm chút, các bạn có nhiều cơ hội phát triển bản thân nhưng ít có kỹ năng dành cho cuộc sống gia đình.
"Chìa khóa cho hôn nhân hạnh phúc nằm ở chỗ mỗi người phải biết tôn trọng sự khác biệt. Điều này không chỉ đúng trong hôn nhân mà với bất cứ mối quan hệ nào khác. Trên đời không ai giống ai, nếu ai cũng cho mình là đúng và phủ nhận những cái không giống mình thì khó thiết lập được một mối quan hệ hòa hợp, bền vững. Hai người yêu nhau đến từ hai gia đình, với hoàn cảnh, cách giáo dục, nếp sống... có thể hoàn toàn khác biệt và để dung hòa, mỗi người phải biết chấp nhận cái khác đó, đừng lấy cái tôi của mình làm hệ quy chiếu", bác sĩ Thủy chia sẻ.
Theo Vương Linh