Anh Dap sinh ra và lớn ở làng Thoong Nha (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai). Không có đất canh tác nên hai vợ chồng phải đi chặt chuối thuê, ai thuê gì làm nấy. Số tiền làm thuê ít ỏi nên khi không may đau ốm, anh Dap phải vay mượn khắp nơi để có tiền viện phí. Anh Dap dù đã ngoài 40 tuổi nhưng chưa đi ra khỏi Gia Lai. Nghĩ quê nhà nắng nóng, khó đổi đời, xót cảnh con gầy ốm, đầu năm 2023, anh quyết định bỏ lại gia đình không lời từ biệt. Người đàn ông có ngoại hình rắn chắc nhưng không thể đối diện trước sự chia ly vợ cùng hai con nhỏ. Anh Dap cùng nhóm người đàn ông trong làng rủ nhau xuống miền Tây theo hướng dẫn từ lời kẻ xấu để sang Thái Lan “đổi đời”.
“Tối về đợi mãi không thấy chồng về nhà, em dẫn con đi hỏi khắp mới biết chồng mình cùng nhóm người làng đi sang Thái Lan rồi. Cả đêm ấy ba mẹ con ôm nhau khóc”, chị H’BYơm (38 tuổi, vợ anh Dap) bùi ngùi.
Căn nhà của vợ chồng anh Dap được thưng bằng tôn mưa hất dột khắp nơi, ngày nắng thì như lò thiêu. Trụ cột gia đình không có nhà, mọi việc đều chất lên vai người phụ nữ kham khổ. Hai cậu con trai, đứa lớn đang tuổi dậy thì khó bảo, lại càng cần sự quan tâm. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng trôi qua mà chẳng thấy hồi âm gì của chồng, chị H’BYơm cùng các con càng thêm lo âu, mong đợi. Chị đi khắp nơi hỏi tin tức, tìm chồng. Giờ đây, ba mẹ con chị H’BYơm vẫn ngóng chồng về từng ngày. Người phụ nữ chỉ biết oà khóc khi các con hỏi “Bao giờ bố về?”.
Hai đứa trẻ có bố đi xa, lúc nào cũng buồn |
Trường hợp khác éo le hơn, khi nhận tin chồng đã mất nơi xứ người, lòng bà Kpă H’mif (trú xã Hbông, huyện Chư Sê) quặn thắt. Bà kể, chồng mình sang Thái Lan 5 năm trước cùng với một người ở làng. Từ hôm đi chẳng thấy hồi âm. Đến năm 2021 người hàng xóm trở về. Chị chạy qua gặng hỏi, người hàng xóm bảo chồng chị không làm được việc nên không có tiền về. Một năm sau bà H’mif nhận tin chồng đã mất. Đã ngoài 50 tuổi nhưng giờ bà phải làm thuê suốt ngày cùng các con trang trải cuộc sống.
Thay đổi khi trở về
Bài học về miền đất “hứa” khiến anh Siu Liêm (33 tuổi, ở làng Yon Tok, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) chẳng bao giờ quên. Mấy năm trước, chí hướng của chàng thanh niên khát vọng làm giàu, thoát cảnh nghèo khó. Anh Liêm quyết định đem theo 30 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình cùng bạn sang Thái Lan. Vượt biên trái phép, khi tới đất người, anh Liêm mới nhận ra chẳng như lời người ta quảng cáo, chỉ là sự vất vả, nhọc nhằn, đối xử thậm tệ.
“Mỗi khi cán bộ công an về đây nói cho dân làng biết điều sai trái khi nghe lời kẻ xấu em là người theo đầu tiên. Từ những gì mình trải qua nói lại cho bà con biết, nghe theo. Giờ em được Công an xã Ia Glai hướng dẫn làm ăn, chăm sóc vật nuôi theo khoa học. Cuộc sống cũng đã ổn định”, anh Liêm chia sẻ.
Theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn có hơn 100 người dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép sang Thái Lan. Điểm chung đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc vay nợ ngân hàng, xã hội.
Thượng tá Phan Thanh Hải - Phó phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, cuộc sống của những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Thái Lan rất khó khăn. Họ phải làm những công việc nặng nhọc (phụ hồ, bốc vác, làm nông…), nhiều người còn bị lừa tiền công lao động. Đặc biệt, do cư trú bất hợp pháp, không có giấy tờ pháp nhân nên họ thường xuyên bị lực lượng chức năng Thái Lan truy quét, bắt giữ.
Thượng tá Hải phân tích, tin lời kẻ xấu, nhiều người nghĩ rằng khi sang Thái Lan sẽ dễ dàng được đi Mỹ. Tuy nhiên, sang Mỹ phải có người bảo lãnh, tốn chi phí rất lớn, phải đảm bảo về tiêu chuẩn lý lịch, khám tổng quát sức khỏe rất kỹ lưỡng. Trường hợp sang được công việc cũng rất vất vả, bởi chi phí sinh hoạt cao.
Theo Thượng tá Hải, trong công tác tuyên truyền, già làng và người uy tín có vai trò rất quan trọng. Bởi họ đã tạo được uy tín trong địa phương, là chỗ dựa vững chắc của người dân trong nhận thức cũng như quan hệ xã hội.