Sau nhiều ngày làm đơn gửi UBND xã xin hiến 200 m2 đất để phục dựng đền Thành Hoàng làng, ông Phạm Đình Xất (66 tuổi) cùng vợ là bà Phạm Thị Hương (65 tuổi), trú thôn Thịnh Bằng, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn đang dọn dẹp cây cối trong vườn để bàn giao mặt bằng cho địa phương.
Vợ chồng ông Xất sinh sống, xây nhà trên mảnh đất được cấp sổ đỏ với diện tích hơn 1.000 m2. Trước đây, đền Thành Hoàng làng hay còn gọi là đền Nhà Ông được xây dựng trên vùng đất mà gia đình hiện đang ở. Tuy nhiên sau đó ngôi đền có căn nhà gỗ được di dời đến một vị trí khác, vì thế nơi đây chỉ còn là phế tích và gần như bị lãng quên.
Ông Xất hiến một phần đất của gia đình để xây dựng lại đền Thành Hoàng làng. |
“Khi chính quyền địa phương đến thông báo phương án sẽ phục dựng lại đền, tôi đã bàn với vợ hiến một phần đất của gia đình để cho xã làm. Không chỉ gia đình tôi mà người dân vùng này cũng mong muốn đền sẽ được xây lại vì ý nghĩa văn hóa tâm linh đã bị mai một thời gian dài”, ông Xất chia sẻ.
Ông Xất kể ngôi nhà cổ của đền di dời từ lâu, trước khi gia đình ông đến sinh sống. Tại vị trí dựng đền trước đây nay chỉ còn lại phần móng đá. Tuy nhiên qua thời gian dài, đất sạt lở, nước bàu Bạc lấn sâu nên chỉ vào mùa hè, khi nước cạn mới nhìn phần móng của đền.
Ông Xất chỉ tay đến vị trí phần móng nhà đền trước đây, nhưng nay đã bị lòng nước bàu xâm lấn. |
Khi đền thiêng dần bị lãng quên thì hơn 10 năm trước, ông Xất cũng đã xây dựng một nhà thờ nhỏ thờ Đức Bản Cảnh Thành Hoàng trên khu đất của gia đình để cho nhân dân khắp vùng đến thắp hương.
“Ngôi nhà gỗ 4 gian của đền đã di dời, được làm từ gỗ mít, có trên trăm năm tuổi. Khu vực này là vùng đất thiêng, chúng tôi mong mỏi từng ngày dự án phục dựng đền sẽ được triển khai”, ông Xất nói.
Việc làm đáng tuyên dương
Ông Xất cho biết trước khi làm đơn gửi chính quyền xã Sơn Bằng, ông đã tổ chức họp gia đình. Tại cuộc họp, các thành viên đều đồng ý tình nguyện hiến 200 m2 đất của gia đình để chính quyền xã phục dựng đền Nhà Ông.
“Sau khi hoàn thành công trình, vợ chồng tôi rất mong hàng ngày được phép làm công quả với các phần việc như quét dọn, thắp hương tại đền”, bà Phạm Thị Hương (vợ ông Xất) chia sẻ.
Ngôi đền Nhà Ông đã bị di dời, vì sợ đền thờ bị lãng quên, ông Xất đang xây một ngôi nhà để thờ Đức Bản Cảnh Thành Hoàng trong phần đất của gia đình. |
Được biết, đền Nhà Ông có từ thời Lê Trung Hưng, nơi đây thờ Đức Bản Cảnh Thành Hoàng của làng Hữu Bằng - một vị phúc thần bảo hộ Nhân dân. Đây là công trình tâm linh có lịch sử lâu đời ở xã Sơn Bằng, lần trùng tu gần nhất là năm 1897, dưới triều nhà Nguyễn.
Ngôi nhà gỗ của đền được chạm khắc bằng gỗ tinh xảo, mang đậm dấu ấn kiến trúc từ thế kỷ XVII. Hiện ngôi nhà gỗ này nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã Sơn Bằng.
Bà Phạm Thị Hương đang thu dọn cây cối trong vườn để bàn giao mặt bằng cho địa phương. |
Trao đổi với Tiền Phong, bà Uông Thị Kim Yến, Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng cho biết việc xung phong hiến đất làm đền của vợ chồng ông Xất rất đáng tuyên dương. Bởi đây là tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất để nhân dân trên địa bàn cùng nhau đóng góp vì phần việc chung.
Theo bà Yến, vùng đất mà gia đình ông Xất đang sinh sống khi đền di dời là vùng đất hoang, do địa phương quản lý. Sau đó xã đã cấp cho một số hộ dân để sử dụng. Đến nay, địa phương có ý tưởng khôi phục lại đền Nhà Ông nên đang huy động giải phóng mặt bằng, sau đó vận động xã hội hóa để cùng đóng góp xây dựng.
Ngôi nhà gỗ này hiện nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã Sơn Bằng. |
“Để phục dựng lại được đền Nhà Ông cũng sẽ mất khá nhiều thời gian và kinh phí lên đến cả tỷ đồng. Hiện tại trước mắt đang vận động người dân hiến đất để hoàn thiện phần mặt bằng, sau đó sẽ lên phương án để xây dựng lại đền. Phần chứng tích của đền còn ngôi nhà cổ hiện được trưng dụng tại khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ của xã. Khi xây dựng lại sẽ đưa ngôi nhà này về tại đúng khu vực của đền Nhà Ông trước đây”, bà Yến nói.