V.League: Thú chơi bạc tỷ thành hàng hạ giá

V.League: Thú chơi bạc tỷ thành hàng hạ giá
TP - Hàng loạt ông bầu rút khỏi bóng đá, CLB đứng trước nguy cơ giải thể, đẩy hàng trăm cầu thủ rơi vào cảnh thất nghiệp. Từ chỗ như món đồ trang sức, tô điểm thêm bộ mặt và làm giàu cho doanh nghiệp, bóng đá trở thành gánh nặng đối với các ông bầu.

> VPF kêu gọi sự ủng hộ của dư luận
> V.League báo động đỏ

Giai đoạn doanh nghiệp đổ xô vào làm bóng đá cũng trùng với thời điểm phát triển “nóng” của thị trường bất động sản. Kinh doanh nhà, đất trở thành kênh đầu tư đem lại lợi nhuận khổng lồ.

Bóng đá, môn thể thao vốn luôn nhận được sự quan tâm của các địa phương, trở thành “cầu nối” để các doanh nghiệp nhận lại những ưu đãi về chính sách thuế, đất…Dù không trực tiếp tạo ra tiền, nhưng CLB vẫn gián tiếp làm giàu cho túi tiền của nhiều ông bầu theo cách trên.

Điều này giải thích vì sao, bất chấp câu nói cửa miệng “bóng đá VN chưa tạo ra tiền”, nhưng vẫn rất nhiều ông bầu đầu tư vào V.League. Việc duy trì một đại diện ở giải đấu cao nhất quốc nội trở thành nhiệm vụ sống còn đối với cả địa phương và doanh nghiệp.

Năm 2009, Thanh Hoá sau khi xuống hạng đã chấp nhận bỏ ra 25 tỷ đồng để mua lại CLB Thể Công (cũ), kèm theo suất đá V.League. Dĩ nhiên, UBND tỉnh Thanh Hoá với sự trợ sức của Viettel phải nuôi toàn bộ quân số cầu thủ Thể Công được chuyển giao.

Chỉ một năm sau, ngân hàng Nam Việt thực hiện thương vụ thứ hai khi mua lại QK4, biến thành CLB Navibank Sài Gòn.

Trong số các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá, không thể không kể đến Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển và ngân hàng Bắc Á của bà bầu Thái Hương.

Bầu Hiển trong 3 năm qua thực hiện khá nhiều dự án ở Hà Nội, còn ngân hàng Bắc Á là những dự án lớn ở Nghệ An.

Ông Hiển trong một lần trả lời Tiền Phong cũng không ngần ngại thừa nhận hiệu ứng bóng đá đem lại đối với sự “ăn nên, làm ra” của doanh nghiệp.

Cũng giống như khi đổ tiền vào bóng đá, việc các ông bầu tháo chạy gần đây trùng với thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng.

Cuối mùa giải 2011, tập đoàn Hoà Phát Hà Nội tuyên bố rút khỏi bóng đá. Và cho tới năm nay, liên tiếp các CLB tuyên bố giải thể hoặc rút khỏi V.League.

Trong vòng một tuần qua, V.League đã phải chứng kiến cuộc tháo chạy của hai ông bầu vào diện cá tính đặc biệt: bầu Trường (The Vissai Ninh Bình) và bầu Thuỵ (Sài Gòn Xuân Thành).

Ông Thuỵ trước đó còn gây xôn xao với thương vụ mua lại CLB Navibank Sài Gòn của doanh nghiệp anh em là công ty Xuân Thuỷ.

Navibank Sài Gòn hiện đã giải tán còn Sài Gòn Xuân Thành, như phát biểu của GĐĐH Trần Tiến Đại, bầu Thuỵ “sẵn sàng bán lại cho bất kỳ ai”.

Ông Đại trước đó đã thất bại trong nỗ lực rao bán lại Navibank Sài Gòn từ mức giá ban đầu 15 tỷ đồng, xuống 10 rồi năm tỷ đồng nhưng không có người mua.

Nếu so với mức đầu tư 70-80 tỷ đồng/mùa giải các CLB trước kia phải bỏ ra để cạnh tranh “sống chết” với nhau, chiếc vé tham dự V.League đã rớt giá thê thảm, đến mức chạm đáy chỉ qua hai năm.

Việc các ông bầu bỏ của, chạy lấy người đang khiến BTC VPF đau đầu trong việc xây dựng phương án tổ chức mùa giải mới.

Tổng cục TDTT mới đây đã bày tỏ quan ngại, đến thời điểm dự kiến khởi tranh mùa giải mới vào tháng 3-2013, số lượng đội bóng sẽ giảm xuống dưới 10 CLB.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG