Vitamin D thành 'thuốc độc' khi dùng quá liều

Thuốc bổ - con dao hai lưỡi
Thuốc bổ - con dao hai lưỡi
Dù cô con gái 8 tháng tuổi ăn, ngủ bình thường nhưng trước thời tiết nóng bức mùa hè chị Mai Hương (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn quyết định cho con uống bổ sung vitamin A, D, C tăng sức đề kháng.

Thuốc bổ hóa thuốc độc

Sáng nào cũng vậy, trước khi đi làm chị Hương lại chuẩn bị sẵn 3 loại thuốc ra trước bàn rồi dặn bà sau khi cho cháu ăn xong thì uống. Một tháng sau, Sau một tháng uống thuốc, con chị Hương lười ăn hơn, cân nặng không thay đổi thậm chí suốt ngày nôn, ọe, người lúc nào cũng mềm như dải khoai, quấy khóc liên tục. Cực chẳng đã, chị phải bế con đến bệnh viện. Sau khi các bác sĩ thăm khám, chị Hương mới tá hỏa khi biết nguyên nhân là do con uống quá liều vitamin.

Bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, việc bổ sung vitamin khi trẻ bị thiếu là hết sức cần thiết, nhưng nếu bổ sung một cách bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ, lạm dụng vitamin lại dẫn đến tình trạng mắc một số bệnh do thừa vitamin. Trường hợp con chị Thu vẫn còn may, bởi trẻ được đưa đến viện sớm. Bởi, đã có trường hợp đến viện trong tình trạng bị ngộ độc do thừa vitamin A. Trẻ đến viện trong tình trạng nôn liên tục do  tăng áp lực nội sọ. Có trẻ ôm đầu khóc, rối loạn thần kinh gần như không làm chủ được mọi hành vi.

Theo bác sĩ Hải việc các phụ huynh có thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ khá phổ biến hiện nay không những không có lợi cho trẻ mà vô tình làm cho trẻ thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc...  Chính điều này làm giảm hấp thụ các vitamin nhóm B; vitamin E liều cao khiến cạn kiệt dự trữ vitamin A trong trẻ.

Bên cạnh đó, việc uống quá nhiều vitamin C liều cao khiến phá hủy vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ cơ xương...  Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ thừa vitamin nhưng vẫn còi xương, chậm lớn.  “Ngoài ra, nếu trẻ bị thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Thừa vitamin D có thể làm trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp bị thiểu năng. Bổ sung vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh…”- Bác sĩ Hải nói.

Không tùy tiện sử dụng

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, khi chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng bị thiếu vitamin cần phải bổ sung.

Bởi các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C) hoặc bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...).

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng nếu các bậc phụ huynh quyết định cho con bổ sung vitamin và khoáng chất bằng thuốc thì cần chú ý dùng đúng chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng xấu do quá liều. Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể dùng liều cao hơn, theo chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa.

Phụ huynh khi sử dụng vitamin và khoáng chất dưới dạng phối hợp (đa vitamin, đa khoáng chất...) phải phân biệt rõ ràng công thức cho trẻ dưới một tuổi và dưới bốn tuổi. Trong trường hợp trẻ phải dùng thuốc dài ngày, dùng liều cao hoặc dùng các chế phẩm có quá nhiều thành phần vitamin và chất khoáng trong một viên thuốc, phải tham khảo thầy thuốc chuyên khoa nhi. Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.

Đặc biệt, vitamin không thay thế được thức ăn, vitamin luôn có sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá...). Vì thế, các bậc phụ huynh vẫn phải duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG