+ Thưa giáo sư, cơ thể cần vitamin D để làm gì?
- Đa số vẫn nghĩ, vitamin D cần thiết cho xương, điều này đương nhiên là sự thật. Chúng ta cần nó suốt cả cuộc đời, cả trong thời kỳ tăng trưởng chiều cao – tuổi sơ sinh, nhi đồng và thanh niên – cũng như sau này, để có trọng lượng xương cốt thích hợp, để không mắc chứng bệnh vào những năm tuổi già. Tuy nhiên tất cả chỉ là một trong nhiều chức năng của vitamin D.
- Nó còn rất cần thiết cho cơ bắp. Ở những người gặp rắc rối vì cơ bắp suy nhược, gặp hkó khăn với việc đi lại, thí dụ leo cầu thang – tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin D chính là thủ phạm.
- Khoa học cũng cho rằng, vitamin D củng cố hệ đề kháng và trợ giúp nỗ lực loại bỏ nhiễm trùng. Trước đây chỉ định người bệnh phơi nắng (chủ yếu vào buổi sáng) là một trong thành phần cầu thành liệu pháp điều trị lao phổi. Vitamin D cũng góp phần cải thiện làn da, thí dụ trường hợp bị bệnh nấm, bong da.
- Trái lại nồng độ vitamin D trong máu quá thấp có thể dẫn đến sự xuất hiện các bệnh mô liên kết, viêm khớp, thấp khớp, nấm da, vôi hóa khớp, cũng như các bệnh hệ tim-mạch, bệnh tiểu đường hoặc các bệnh đường tiêu hóa, thí dụ bệnh viêm ruột mãn tính. Gần đây kết quả một số nghiên cứu cũng khẳng định, thiếu vitamin D có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một số bệnh ung thư, thí dụ ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
- Cơ thể thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ ngã bệnh trầm cảm và tỷ lệ người tự tử. Một nghiên cứu khoa học tại các nước Bắc Âu kết luận: tình trạng số ngày có nắng trong năm và góc chiếu của mặt trời không thuận lợi chính là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nạn nhân trầm cảm và tự tử cao của khu vực này so với phần còn lại của thế giới.
+ Xương cần vitamin D để làm gì?
- Nó trợ giúp trong quá trình canxi tạo dựng xương cốt và làm cho xương cốt khỏe hơn. Nếu thiếu vitamin D, xương có thể bị cong vẹo, nhuyễn, mềm nhũn hoặc loãng.
Nên nhớ, gần như toàn bộ trọng lượng xương cốt của chúng ta xuất hiện trong vòng ba thập kỷ đầu đời, vì thế cần phải đặc biệt quan tâm đến xương cốt trong thời gian này, nhát là đảm bảo số lượng thích hợp vitamin D cho cơ thể.
+ Cơ thể chúng ta tự sản xuất, hay phải cung cấp?
- Vitamin D được sản xuất trong da dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Vấn đề nằm ở chỗ: điều kiện địa lý tự nhiên và thời tiết, không phải người dân ở mọi vùng đất nước đều có thể sản xuất đầy đủ số lượng. Chính vì thế tại một số quốc gia, ngành y tế quy định bổ sung vitamin D tổng hợp cho người dân vào những tháng thiếu ánh nắng mặt trời. Liều chỉ định hàng ngày cho trẻ em và thanh thiếu niên (từ 2 đến 18 tuổi) là 400 đơn vị; người lớn – từ 800 đến 1.000 đơn vị. Riêng người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) – cần uống vitamin D cả năm.
+ Liệu có thái quá, khi chỉ định cả năm bổ sung vitamin D tổng hợp?
- Đó là kết luận rút ra từ kiến thức y học mới nhất và các trung tâm khoa học uy tín nhất thế giới đều khuyến cáo như vậy.
+ Làm thế nào để biết, cơ thể thiếu vitamin D?
- Cứ thời gian nhất định cần kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu. Có thể gõ cửa bệnh viện, để làm xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ kê đơn, chỉ định uống thuốc viên hoặc thuốc nước với liều thích hợp. Cũng có thể mua như dạng thực phẩm chức năng, không cần đơn bác sĩ.
+ Có thể thỏa mãn nhu cầu theo cách tự nhiên hơn, thí dụ như ăn cá?
- Tất nhiên cá biển là nguồn cung cấp dồi dào vitamin D, song khó thỏa mãn nhu cầu. Phần nhiều chỉ đóng vai trò bổ sung, bởi để đảm bảo mức độ hợp lý, hàng ngày cần phải ăn cả kilogam cá hồi hoặc lươn biển. Dầu cá có thể là giải pháp khả dĩ hơn.
+ Tức mỗi ngày một thìa cà phê dầu cá truyền thống?
- Đó là thời xưa. Ngày nay khi chế biến, dầu cá được cho thêm những hợp chất khiến không ai còn nhớ đến mùi vị độc đáo của dầu cá tự nhiên. Ngoài ra gần như hiệu thuốc nào cũng có bán viên dầu cá chỉ tan – khi vào đến dạ dày.
+ Gần đây dư luận nói nhiều đến “đại dịch” cong vẹo cột sống, gù lưng của học sinh. Liệu có mối liên quan với vitamin D?
- Theo tôi, “đại dịch” này chủ yếu gắn với tình trạng thiếu vận động, quá nhiều thời gian ngồi bên màn hình tivi và máy vi tính, cộng với cặp sách (hoặc ba lô) quá nặng, mà học sinh hàng ngày phải mang vác.
+ Giáo sư khẳng định, người cao tuổi cần uống vitamin D cả năm. Tại sao?
- Tự nhiên, sau tuổi 65 cơ thể suy giảm rõ rệt cả năng lực sản xuất vitamin D ở da, cũng như công đọan hấp thụ nó trong đường tiêu hóa. Để duy trì mức độ thích hợp, cần phải bổ sung liên tục.
Trước hết đó là vấn đề hoạt động bình thường của bộ máy vận động – xương cốt và cơ bắp. Hiện tôi vẫn gặp cụ già 87 tuổi – bệnh nhân cao tuổi nhất của tôi có thể một mình tự đén phòng khám không cần sự giúp đỡ của con cháu. Kể từ thời gian cụ bắt đầu uống vitamin D liều cao, bản thân cụ thừa nhận, đi lại nhanh nhẹn hơn, dễ dàng đứng lên, ngồi xuống hơn…Nhiều người cao tuổi đi lại khó khăn không hề nghĩ rằng, lý do có thể là nồng độ vitamin D trong cơ thể quá thấp.
+ Loãng xương cũng là vấn đề của người cao tuổi và thiếu hụt vitamin D.
- Đúng vậy, nhất là chi tiết thuờng hay quên:- là rắc rối không chỉ của phụ nữ, mà cả nam giới. Hậu quả của loãng xương, thứ nhất là sự thay đổi hình dạng cơ thể, gù, cong lưng; thứ hai – nguy cơ gẫy xương gia tăng, chủ yếu gẫy cổ xương đùi.
+ Theo giáo sư, làm gì để chống loãng xương có hiệu quả?
- Chúng ta hãy so sánh vấn đề với tài khoản trong ngân hàng. Suốt cuộc đời trong xương luôn diễn ra hai quá trình: sự tạo xương, tức “nguồn viện trợ đổ vào tài khoản” và quá trình hao mòn xương, tức các nguồn chi cắt từ tài khoản. Loãng xương là tình trạng xảy ra, khi nguồn chi vượt quá nguồn thu. Để thay đổi, buộc phải tăng nguồn thu và giảm chi phí. Vậy nên cần phải quan tâm cung cấp số lượng thích hợp vitamin D và canxi. Có điều, nguồn cung cấp canxi không nhất thiết các sản phẩm chế biến từ sữa, mà những thực vật họ bắp cải, lạc, vừng, quả sung, quả vả, hạnh đào…
Vận động cũng rất quan trọng, hoạt động thể lực tích cực, tất nhiên không chỉ trong trường hợp người cao tuổi, mà cả đối tượng trẻ tuổi. Đối với họ (tuổi trẻ, chưa bị sức ép, thí dụ tim-mạch) cần tuân thủ nguyên tắc: 3 x 30 x 130, tức: duy trì chế độ tập luyện thể thao tối thiểu mỗi tuần 3 lần, mỗi lần tối thiểu 30 phút và nhịp tim xấp xỉ 130 nhịp/phút.
Người cao tuổi thường gặp rắc rối với hệ tim-mạch hoặc hô hấp, tối thiểu cần đi bộ hàng ngày (mỗi ngày 2-3 km).
Theo Vĩnh Hà
Tri Thức Trẻ