Vĩnh Phúc tăng trưởng thế nào sau 3 năm ông Lê Duy Thành làm Chủ tịch tỉnh?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2020, ông Lê Duy Thành được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc với 100% phiếu đồng ý. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, tại hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, ông Thành nhận 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19% tổng số phiếu bầu).

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2025, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thay mặt UBND tỉnh báo cáo trước toàn thể đại biểu HĐND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và các mặt công tác của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong bài phát biểu, ông Thành lưu ý việc Vĩnh Phúc là một trong 30 tỉnh không đạt dự toán thu ngân sách năm. Mặc dù vậy, Vĩnh Phúc là một trong 8 tỉnh có số ngân sách cao nhất, đồng thời cơ cấu thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 80% tổng thu của tỉnh, khẳng định nguồn thu rất ổn định và bền vững.

Ngày 30/10/2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 (Kỳ họp thứ mười tám) đã tổ chức cuộc họp kiện toàn các chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại cuộc họp trên, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI đã giới thiệu nhân sự bầu các chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Lê Duy Thành khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh được giới thiệu và bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh với số phiếu đồng ý 47/47 đại biểu có mặt, đạt tỷ lệ 100%.

Ngoài ra, trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển kinh tế vượt trội, giữ được một vị thế của một tỉnh phát triển. Các chỉ số phản ánh chất lượng điều hành của UBND tỉnh đều nằm trong tốp 10 toàn quốc. Đặc biệt chỉ số về phòng, chống tham nhũng của Vĩnh Phúc được các cơ quan chức năng xếp thứ 1. Đáng chú ý, việc thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đã hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ là 2,2 tỷ đô la.

Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/11/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 29 dự án DDI (13 dự án cấp mới, 16 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 21,28 nghìn tỷ đồng, tăng 74,15%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 70 dự án FDI (26 dự án cấp mới, 44 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 583,32 triệu USD, tăng 83,45% so với cùng kỳ.

Năm 2022, theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, GRDP năm 2022 đạt mức tăng khá, tăng 9,54% so với năm trước, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2022, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 cả nước về tốc độ tăng GRDP.

Hầu hết các chỉ số tăng trưởng của các ngành đều đạt mức cao so với mục tiêu đề ra. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 0,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,41%; khu vực dịch vụ tăng 9,61%. Đáng chú ý, trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ, là các lĩnh vực có mức đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế của địa phương, giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,41%, đóng góp 6,54 điểm % vào tăng trưởng của tỉnh, là mức tăng cao thứ hai trong giai đoạn 2012-2022, trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 14,37%, đóng góp 6,21 điểm. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ đạt mức tăng 9,61%, đóng góp 1,92 điểm % vào mức tăng GRDP, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Năm 2021, theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Vĩnh Phúc vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật. GRDP ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2021, ước tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 63,74%, ngành dịch vụ chiếm 28,43%, ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản chiếm 7,83% (so với tỷ trọng tương ứng năm 2020 lần lượt là 61,32% - 30,45% - 8,23%).

Năm 2021, môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc tiếp tục được cải thiện khi thu hút được trên 1,025 tỷ USD vốn FDI, tăng 51,29% so với cùng kỳ năm 2020, thu hút được 21,8 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 143,07% so với năm 2020.

Vĩnh Phúc tăng trưởng thế nào sau 3 năm ông Lê Duy Thành làm Chủ tịch tỉnh? ảnh 1

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 chức danh do HĐND tỉnh bầu theo quy định. Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 19 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 40,43% tổng số phiếu bầu), 2 phiếu tín nhiệm (chiếm 4,26%) và 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19% tổng số phiếu bầu).

Đến nay, ông Lê Duy Thành là Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trên cả nước nhận trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Duy Thành cho biết, kết quả 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp ông nhận được bất thường so với những lần lấy phiếu trước đây.

Theo ông Thành, những lần lấy phiếu trước đây, ông đều đạt tín nhiệm cao, "nên kết quả tín nhiệm thấp lần này rất bất thường". Vì vậy, các cơ quan đang xem xét đề nghị phúc tra lại kết quả lấy phiếu. Cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc làm rõ vấn đề bất thường về kết quả tín nhiệm thấp của ông.

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.