Vĩnh Phúc: Mục tiêu 3.100 ha rau an toàn năm 2020

Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại Vĩnh Phúc
Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại Vĩnh Phúc
Tại Vĩnh Phúc, việc đầu tư phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn đang góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn và khắc phục dần tình trạng bỏ đất nông nghiệp đang diễn ra ở các địa phương trong tỉnh.

Tại xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc từ sáng sớm hàng chục xã viên của HTX Visa đã có mặt tại các ruộng rau để cắt rau muống, rau mùng tơi, rau ngót, các loại rau gia vị kịp chuyển đến các hệ thống siêu thị ở Hà Nội và chuyển đến hơn 40 bếp ăn của các trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc. Chị Lê Thị Thu Hương, Giám đốc HTX rau an toàn Visa cho biết, HTX đang tạo việc làm ổn định cho trên 150 xã viên và liên kết sản xuất với 10 hộ nông dân trên địa bàn. Ước năm 2017, HTX đạt doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, trong đó, thu từ rau, hoa, quả là khoảng 3 tỷ đồng và 22 tỷ đồng từ dịch vụ nấu ăn cho 40 trường học và một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.

Còn tại Mô hình sản xuất dưa chuột an toàn xã An Hòa (thôn Ngọc Thạch 1, xã An Hoà, huyện Tam Dương), hàng chục hộ dân cũng đang phấn khởi với vụ thu hoạch rau màu mới. Cây trồng chủ yếu ở đây là dưa chuột, dưa lê và một số cây rau hoa màu khác như su hào, bắp cải… trên diện tích gần 4ha. Chị Vũ Thị Loan, tổ trưởng Mô hình sản xuất dưa chuột an toàn xã An Hòa cho biết, khi tham gia mô hình, các thành viên đều được tập huấn quy trình, hỗ trợ vốn, có đầu ra để hội viên yên tâm sản xuất. “Hiện, gia đình tôi trồng hơn 2 sào dưa chuột theo quy trình trồng dưa an toàn, năng suất đảm bảo từ 7 - 9 tạ /sào, giá thành bán ra thị trường cũng cao hơn. Với hơn 2 sào trồng rau, trừ chi phí, mỗi vụ gia đình tôi thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng”, chị Loan cho hay. 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 120 cơ sở sản xuất rau an toàn, với diện tích canh tác gần 900 ha được cấp giấy chứng nhận; trên 40 cơ sở sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, với diện tích trên 500 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận Vietgap đạt khoảng 40.000-45.000 tấn/năm, bằng 25% tổng sản lượng rau sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn và khắc phục dần tình trạng bỏ đất nông nghiệp đang diễn ra ở tất cả các địa phương trong tỉnh.  

Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện thêm nhiều HTX sản xuất rau an toàn và diện tích vùng rau an toàn sẽ được mở rộng. Bởi Vĩnh Phúc đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, xác định sẽ phát triển rau quả trở thành ngành hàng quan trọng của tỉnh theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có giá trị tăng cao.

Để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung nhiều giải pháp như: Quy hoạch và hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh rau quả; chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau quả; hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn thửa, đổi ruộng để tăng quy mô sản xuất rau, phục vụ quy hoạch vùng chuyên canh rau. Đồng thời, hỗ trợ hình thành các HTX kiểu mới, tổ hợp tác, trang trại, chủ hộ sản xuất, doanh nghiệp chuyên sản xuất, chuyên tiêu thụ rau an toàn… mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ hình thành vùng chuyên canh rau quả tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 3.100 ha.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.