Điểm sáng trên bản đồ ô tô thế giới
Ngày 18/11, sự kiện “có một không hai” trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam diễn ra khi hãng xe VinFast (thuộc Vingroup) lần đầu giới thiệu hai mẫu xe điện VF e35 và VF e36 tại Triển lãm ô tô Los Angeles (LAAS) 2021, Mỹ - thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Sự kiện đã đưa Đông Nam Á trở thành điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới, khi giới thiệu đến công chúng quốc tế một thương hiệu xe điện thông minh toàn cầu.
Du khách thích thú chụp ảnh bên mẫu xe mới của VinFast |
Theo ông David Lyon - Giám đốc thiết kế của VinFast, dấu hiệu nhận diện chiếc ô tô VinFast không nằm ở lưới tản nhiệt mà nằm ở khung chiếu sáng hình chữ V. V là Vingroup và VinFast, cũng là biểu trưng của Việt Nam. Dù thống nhất nhưng mỗi mẫu xe sẽ có những sáng tạo, những đặc điểm riêng. Theo kế hoạch, VinFast VF e35 và VF e36 được bán ra tại Mỹ từ năm sau. Mức giá chưa được tiết lộ, dự đoán có thể dao động 40.000-60.000 USD (900 triệu - 1,3 tỷ đồng). Hai dòng SUV này được định vị ở nhóm xe cao cấp.
Hai mẫu xe VF e35 và VF e36 được tích hợp ADAS (hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao), hỗ trợ làn đường, cảnh báo va chạm, giám sát người lái, đỗ xe hoàn toàn tự động... Đặc biệt VF e35 và VF e36 được trang bị thông tin giải trí thông minh, bao gồm các tính năng điều khiển trong xe như trợ lý giọng nói, trợ lý ảo và dịch vụ thương mại điện tử, cùng nhiều tính năng khác.
Vingroup đã thành lập Cty Cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES vốn 1.000 tỷ đồng nhằm phát triển các giải pháp và sản xuất pin năng lượng dành cho xe điện. Phía VinFast cho biết, theo thỏa thuận hợp tác với Gotion High-Tech (nhà sản xuất pin uy tín hàng đầu thế giới mà công ty đang liên kết, hiện chỉ sản xuất ở Trung Quốc), hai bên sẽ cùng nghiên cứu, phát triển công nghệ pin LFP và tìm kiếm khả năng xây dựng nhà máy sản xuất pin ngay tại Việt Nam. Ngoài ra, VinFast đang hợp tác với các đơn vị sở hữu công nghệ pin tiên tiến khác như ProLogium (Đài Loan) để phát triển công nghệ pin 100% thể rắn, StoreDot (Israel) để phát triển công nghệ pin sạc siêu nhanh… và nghiên cứu khả năng mở các nhà máy sản xuất pin tại Mỹ và châu Âu để phục vụ mục tiêu chiến lược chinh phục thị trường quốc tế.
Cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô thế giới, có thời gian dài sống và làm việc ở Đức và Mỹ, đánh giá cao tiềm lực của VinFast và tin tưởng tương lai của thương hiệu này. Điều quan trọng là thị trường Mỹ rất lớn nhưng cũng nguy hiểm bởi luật bảo vệ người tiêu dùng rất khắt khe, đòi hỏi các yêu cầu cao về tiêu chuẩn an toàn. Do đó việc VinFast có chinh phục được thị trường này hay không còn phải chờ thời gian thẩm định.
Tại Việt Nam, theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, hiện hệ thống hạ tầng trạm sạc còn rất ít, chủ yếu do doanh nghiệp tự xây dựng ở hệ sinh thái Vingroup. VinFast mới công bố quãng đường di chuyển tối đa (485km-680km), trong khi theo ông Đồng, việc di chuyển còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như tình trạng kẹt xe, sử dụng điều hòa liên tục thường chiếm 15% tiêu hao nhiên liệu…
“Phải chờ hạ tầng cơ sở tốt thì người dân mới sử dụng nhiều. Đầu tư một trạm sạc pin rất tốn kém, trung bình 50-60.000 Euro/trạm (tương đương 1,2-1,5 tỷ đồng). Muốn phủ khắp Việt Nam phải có khoảng 30.000 trạm. Bên Đức, dân số tương đương Việt Nam, hiện có khoảng 25.000 trạm, nhưng được Chính phủ ủng hộ, khuyến khích nên người dân có thể làm trạm riêng tại nhà, chi phí rẻ hơn”, ông Đồng nói và cho rằng Chính phủ và xã hội cần ủng hộ, hỗ trợ thì tương lai xe điện ở Việt Nam mới sớm thành hiện thực.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự đồng tình với chiến lược “mang chuông đi đánh xứ người” của VinFast. “Việc làm của VinFast rất đúng đắn bởi Mỹ là nước tiên tiến nhất thế giới. Qua tham gia triển lãm LAAS, ngoài quảng bá thương hiệu cho bản thân công ty, cũng sẽ góp phần quảng bá danh tiếng cho Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn cạnh tranh rất mạnh mẽ trong tương lai. Tôi tin người dân rất hoan nghênh và ủng hộ. Trong nước, cũng cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, như đường sá, trạm sạc để người dân thấy được tính khả thi, tiện lợi và ủng hộ sử dụng xe điện”, bà Lan phân tích.
Vị chuyên gia này cho rằng, người đi tiên phong bao giờ cũng gánh chịu nhiều rủi ro, do đó phải có sự đột phá táo bạo. “Tôi kỳ vọng sau khi kinh tế phục hồi, ổn định tăng tốc lại thì tương lai thị trường ô tô sẽ rất tốt cho VinFast. Xu thế xe điện cũng phù hợp với cam kết giảm phát thải khí CO2 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Anh) mới đây. Ô tô là sản phẩm của vấn nạn đó, nếu hạn chế được, tiến tới bỏ động cơ đốt trong, chuyển sang xe điện sẽ được người dân và Chính phủ ủng hộ”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói thêm.