Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá về việc Vingroup ký hợp đồng mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để sản xuất những bộ phận quan trọng nhất của xe và việc 2 xe mẫu Vinfast sẽ trưng bày ở triển lãm ô tô Paris trong tháng 10/2018.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Giải bài toán sản xuất bộ phận quan trọng nhất của xe
- Ông đánh giá thế nào việc Vingroup vừa ký hợp đồng mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để sản xuất những bộ phận quan trọng nhất của xe?
Tôi thấy việc này thể hiện rất rõ 2 điều: thứ nhất, đó là tầm nhìn xa và tính chuyên nghiệp cao của Vingroup.
Thứ hai, việc làm này hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến hết sức quan trọng cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và giúp Vingroup sớm đạt mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo ô tô - điều mà Chính phủ luôn kêu gọi, khuyến khích từ nhiều năm qua.
- Trước khi Vinfast xuất hiện, vì sao mong muốn có bản quyền sản xuất cấu kiện quan trọng nhất của ô tô ở nước ta luôn gặp khó khăn, thất bại, thưa ông?
Vấn đề mua bán bản quyền hoặc giấy phép sản xuất cấu kiện quan trọng, đặc biệt là động cơ ô tô liên quan chặt chẽ đến chuyển giao công nghệ, mà bí quyết công nghệ chính là chìa khóa giúp nhà sản xuất giữ được lợi thế trong cạnh tranh với các đối thủ. Thậm chí trong nhiều trường hợp nó còn giúp tạo nên vị thế độc quyền. Vì vậy đàm phán mua bán bản quyền/giấy phép sản xuất thường là không đơn giản.
Theo tôi được biết, tính đến hết năm 2017, ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp dự định sản xuất động cơ (cho xe tải). Nhưng đối tác nước ngoài cũng chỉ đồng ý chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2, không phù hợp xu thế phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới cũng như lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam. Vì thế dự án đã phải dừng, không triển khai được.
Doanh nghiệp hỗ trợ chung mục tiêu với Vinfast
- Việc doanh nghiệp Việt Nam được tham gia chuỗi giá trị, kể cả sản xuất thiết bị đơn giản cho hãng ô tô nước ngoài, cũng rất khó khăn…
Để có thể trở thành 1 mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất của một hãng ô tô danh tiếng, trước hết doanh nghiệp phải đảm bảo được các điều kiện tối thiểu như chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng, các yêu cầu liên quan đến bảo vệ môi trường trong sản xuất, trách nhiệm xã hội, quyền lợi của người lao động...
Để đảm bảo được các điều kiện, yêu cầu đó thì doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư không chỉ cho đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực... mà còn phải quan tâm đưa vào áp dụng hàng loạt tiêu chuẩn quốc tế như các loại ISO, IATF... Đây chính là khó khăn lớn đối với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam.
- Vậy tham gia chuỗi giá trị của Vinfast có thuận lợi hơn không? Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện đáp ứng được nhu cầunội địa hóa của Vinfast ra sao, thưa ông?
Tôi cho rằng việc tham gia vào chuỗi cung ứng phụ tùng, linh kiện cho Vinfast có những thuận lợi nhất định, trước hết bởi vì chính Vinfast cũng chủ trương ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, theo tôi hiểu việc đó cũng không hề dễ dàng, vì trước tiên linh kiện, phụ tùng phải đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng, hơn nữa Vinfast không nhằm vào phân khúc xe giá rẻ, chất lượng thấp.
Với mục tiêu Vinfast hướng đến đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, cá nhân tôi cho rằng trước mắt ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thể đáp ứng. Song, nếu các doanh nghiệp có sự hợp tác-liên kết chặt chẽ, coi mục tiêu của Vinfast là mục tiêu chung, nhìn nhận dự án của Vinfast là 1 cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ thì hoàn toàn có thể đạt mục tiêu nội địa hóa khá cao trong tương lai gần.
Vingroup "Think different"
- Vingroup giờ giữ vai trò là nhà tổ chức, lựa chọn các công ty đa quốc gia tham gia chuỗi giá trị của Vinfast. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Vingroup nói riêng và với doanh nghiệp Việt Nam nói chung?
Với Vingroup, việc hợp tác với các "đại gia" tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, thuê các nhà thiết kế, nhà quản lý, kỹ sư giỏi làm việc cho mình là quyết định sáng suốt. Điều này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm có sản phẩm đưa ra thị trường, mà còn là cách tiếp thị rất hiệu quả đối với 1 sản phẩm mới.
Cách làm này giúp Vinfast - và rộng ra là cả ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Việt Nam - rút ngắn được quãng đường phát triển, tiếp cận kịp thời các tiến bộ về KHCN trong công nghiệp ô tô cũng như xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
- Trưng bày 2 xe mẫu của mình ở triển lãm ô tô Paris (một trong 5 triển lãm ô tô uy tín nhất thế giới) trong tháng 10 tới, dường như Vingroup muốn cạnh tranh quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Vingroup?
Việc Vingroup quyết định giới thiệu 2 xemẫu tại Triển lãm ô tô Paris (một trong những triển lãm ô tô tầm cỡ và uy tín nhất thế giới) là một quyết định hết sức táo bạo. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, chắc chắn lãnh đạo Tập đoàn đã cân nhắc kỹ và hiểu rõ những cơ hội cũng như thách thức sẽ đến.
Điều tôi đánh giá cao ở Vingroup chính là tư duy và cách tiếp cận vấn đề khôngtheo lối mòn. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì "Think different" (nghĩ khác) sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công. Là doanh nghiệp đi sau trong công nghiệp ô tô, rõ ràng Vingroup phải có cách đi riêng nếu muốn có vị thế trên thị trường.
Với việc tham gia Triển lãm Paris, tôi tin là Vingroup muốn gửi đi 1 thông điệp rằng sản phẩm của họ là ngang tầm thế giới và đích nhắm của họ không chỉ là thị trường nội địa.
- Xin cảm ơn ông!