VINASHIN không đủ khả năng chi trả chế độ

VINASHIN không đủ khả năng chi trả chế độ
TP - Có thời, người ta tự hào khi được làm ở Vinashin. Lúc thịnh vượng, tập đoàn này có 70.000 người, đến nay chỉ còn 26.000 lao động (LĐ). Tới đây, 14.000 LĐ sẽ tiếp tục bị cắt giảm nhưng khả năng chi trả chế độ cho số LĐ này là rất khó khăn.

> Quyết làm xong 10 'đại án' tham nhũng
> Đích thị tham nhũng

Ra đi gần hết

Lộ trình tái cơ cấu Vinashin đã đi qua chặng đường hơn 2 năm và đang ở thời điểm đưa ra những quyết định sống còn. Kế hoạch chuyển đổi “cú đấm thép” này từ mô hình Tập đoàn thuộc Chính phủ thành Tổng công ty thuộc Bộ GTVT cơ bản đã hoàn tất (dự kiến quyết định trong tháng 9 này).

Theo đó, 8 doanh nghiệp (DN) đóng, sửa chữa tàu thuỷ trụ cột (chiếm 70% năng lực đóng tàu của cả nước) được giữ lại, còn 236 DN thuộc tập đoàn dần được tách ra. Mới đây nhất, ngày 13/9, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công đã ký quyết định “cởi áo” Vinashin cho 105 DN mà tập đoàn này đã bán thương hiệu.

Kế hoạch cắt giảm LĐ là hệ quả tất yếu của kế hoạch bỏ kinh doanh ngoài ngành; thậm chí thu gọn cả lĩnh vực kinh doanh chính trong bối cảnh thị trường đóng tàu chưa khôi phục. Theo lãnh đạo tập đoàn, hiện toàn hệ thống còn hơn 26.000 LĐ. Phương án tái cơ cấu nhân lực được đưa ra là cắt giảm tiếp 14.000 LĐ.

Trong đó, 8.000 LĐ hiện không có việc làm sẽ cắt giảm trước và 6.000 người tiếp theo sẽ bị rút khỏi “quân số” của Vinashin chuyển sang các DN mới sau tái cơ cấu. Ngoài ra, tính cả số LĐ tự nguyện chấm dứt hợp đồng để tìm cơ hội tốt hơn (có nhiều kỹ sư, thợ bậc cao), tổng số LĐ giữ lại của Vinashin dự kiến chỉ khoảng 8.000 người.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Bá Thành, Chủ tịch Công đoàn Vinashin cho biết, trong thời kỳ cực thịnh, tập đoàn có hơn 70.000 LĐ. Tuy nhiên, trong đó có nhiều LĐ thời vụ, hợp đồng ngắn hạn nên quá trình giảm xuống còn 26.000 người như hiện nay là dễ dàng.

Số LĐ còn lại hiện nay chủ yếu là hợp đồng dài hạn nên việc giảm xuống còn 8.000 LĐ sẽ phải giải quyết các chế độ theo quy định sẽ rất khó khăn,
phức tạp.

Tiếc và bất lực

Trong cuộc họp về tái cơ cấu Vinashin mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo lãnh đạo tập đoàn này bằng mọi giá phải lo được công ăn việc làm cho người LĐ và giải quyết dứt điểm các quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng với LĐ.

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng cũng bày tỏ cam kết cùng Bộ GTVT, Vinashin đưa ra phương án, chương trình nhằm giải quyết tốt nhất các chế độ cho người LĐ. Ông Ngàng cho rằng, cần tập trung làm tốt công tác đào tạo lại, giới thiệu việc làm cho người LĐ.

Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn này nêu một thực trạng “bi đát”: Không có tiền để nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người LĐ nên không thể chi trả tiền lương còn nợ và chốt sổ bảo hiểm xã hội trả cho lao động trước khi nghỉ việc.

Hiện, con số nợ lương, nợ bảo hiểm đang được tổng hợp từ các đơn vị thành viên, nhưng con số theo ông chủ tịch công đoàn Vinashin là không nhỏ và ngày càng có xu hướng tăng lên, vượt ngoài khả năng chi trả của các đơn vị.

Trước tình thế đó, Công đoàn Vinashin đề nghị các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương giúp đỡ, hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% từ quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để có nguồn chi trả cho người LĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Một trong các mục tiêu trong tái cơ cấu Vinashin được Bộ GTVT xác định là giữ lại các cán bộ, công nhân có tay nghề cao để phục vụ cho việc phát triển ngành đóng tàu trong tương lai. Tuy nhiên, ông Trần Bá Thành cho rằng: “Nhiều kỹ sư, thợ bậc cao mà Vinashin đào tạo, cho đi học nước ngoài đã đi sang các DN khác. Chúng tôi rất tiếc, nhưng cảm thấy bất lực trước tình trạng này”.

Có một thời Vinashin từng tự hào với những thợ bậc cao có thể hàn dưới nước. Những bến tàu, ụ nổi, nhà xưởng sôi động, rộn rã tiếng búa của người LĐ. Những cái tên Nam Triệu, Phà Rừng... nức tiếng khắp nơi. Giờ, mọi thứ gần như lặng ngắt. Vinashin vừa mới có tổng giám đốc sinh năm 1973-ông Vũ Anh Tuấn từng là Tổng GĐ Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.