Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Vinamilk đứng đầu danh sách này với giá trị thương hiệu tăng 13% so với năm ngoái và lớn gấp đôi giá trị thương hiệu doanh nghiệp xếp kế tiếp.
Từ con số 1,5 tỷ đô la Mỹ trong danh sách công bố năm 2016, giá trị thương hiệu của Vinamilk trong bảng xếp hạng năm nay đã tăng 13% và lớn gấp đôi so với giá trị thương hiệu của doanh nghiệp xếp thứ hai Viettel - 849,6 triệu đô la Mỹ. Điều đó đã minh chứng không chỉ sự lớn mạnh của Vinamilk một cách áp đảo để gìn giữ ngôi vị số 1 trên thị trường, mà còn không ngừng vươn lên để vượt qua thành công của chính mình.
Trong danh sách 40 công ty có giá trị lớn nhất Việt Nam lần này, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng chiếm số lượng áp đảo, xếp sau là nhóm tài chính – ngân hàng và cuối cùng là công nghệ - viễn thông. Mặc dù hầu hết doanh nghiệp nổi bật trên thị trường hiện nay đều góp mặt trong danh sách, những doanh nghiệp có mặt trong danh sách không phải toàn bộ là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước lớn tại Việt Nam, mà đánh giá chỉ dựa trên những doanh nghiệp có số liệu tài chính minh bạch.
Phương pháp đánh giá của Forbes tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo. Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 80 doanh nghiệp có thương hiệu, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Giá trị thương hiệu chung được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành. Với công ty chưa niêm yết sẽ được so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô để xác định giá trị thương hiệu.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Vinamilk và bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk đã được vinh danh 4 lần trên tạp chí Forbes châu Á và Việt Nam qua các bình chọn: 2000 công ty lớn nhất toàn cầu - Global 2000, 50 công ty niêm yết xuất sắc nhất Việt Nam, 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam và giờ đây là Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Đây đều là những danh sách bình chọn uy tín và danh giá không chỉ ở Việt Nam mà còn trên quốc tế. Nội lực mạnh mẽ, khao khát vươn cao của Vinamilk luôn được thể hiện bằng những con số và thành tựu mà công ty gặt hái được trong thời gian vừa qua.
Công ty Vinamilk hiện nay trụ sở chính đặt ở TP.HCM, có 3 chi nhánh, 13 nhà máy cùng 10 trang trại phủ khắp Việt Nam (trong đó có 1 trang trại organic duy nhất đạt tiêu chuẩn organic Châu Âu tại VN vừa được khánh thành vào tháng 03/2017). Ngoài ra, Vinamilk còn có các nhà máy tại nước ngoài như Mỹ (sở hữu 100% nhà máy Driftwood tại bang California), Campuchia (sở hữu 100% nhà máy Angkormilk tại thủ đô Phnompenh), New Zealand (sở hữu 22,8%) cùng 1 công ty con tại Ba Lan. Các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Úc, Thailand, Myanmar, Bangladesh, khu vực Trung Đông…
Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và khoảng 120.000 - 140.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, là 1.000 - 1.200 tấn/ngày đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết thiên nhiên dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam.