Vietcombank đã sẵn sàng đón nhận cơ hội thời kỳ hậu Covid-19

Vietcombank đã sẵn sàng đón nhận cơ hội thời kỳ hậu Covid-19
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 12-15/11/2020. Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) sáng ngày 13/11/2020 tại Hà Nội, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank đã có một số chia sẻ với phóng viên các cơ quan truyền thông bên lề sự kiện.

Là một trong những đơn vị top đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Vietcombank đã có những chính sách dịch chuyển gì trong xu hướng phát triển mô hình kinh doanh mới của ASEAN trong tình trạng bình thường mới hiện nay?

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, tới các doanh nghiệp và cả các ngân hàng Việt Nam. Trong trạng thái bình thường mới, Vietcombank đã có những bước chuyển dịch, tái định hình, cấu trúc lại danh mục tín dụng theo hướng an toàn và bền vững hơn, cùng với đó, thúc đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số và đa dạng các dịch vụ ngân hàng điện tử. Vừa qua, Vietcombank đã khai trương hệ thống thanh toán số mới trên cơ sở tích hợp những dịch vụ tiện ích của Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Chiến lược “chuyển đổi số” chính là chìa khóa thành công giúp Vietcombank đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Vietcombank đã sẵn sàng đón nhận cơ hội thời kỳ hậu Covid-19 ảnh 1
 

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, Vietcombank sẽ tiếp tục tích cực, chủ động trong nghiên cứu, tập trung phát triển hệ sinh thái số để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, vận hành hài hòa trong bối cảnh những thách thức mới của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh cũng như đối phó với những thách thức tiềm ẩn trong tương lai.

Năm 2020, Vietcombank xác định phương châm hành động “Chuyển đổi - An toàn - Hiệu quả - Bền vững”. Bên cạnh việc duy trì mức tăng trưởng ổn định về quy mô, Vietcombank luôn theo đuổi mục tiêu bảo đảm chất lượng tài sản. Vietcombank đã tích cực, chủ động tham gia hỗ trợ khách hàng, bao gồm người dân và doanh nghiệp chịu tác động của COVID-19, đã rà soát lại danh mục các khoản vay, thận trọng trong việc trích lập dự phòng rủi ro. Đến nay tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank luôn được duy trì ở mức cao nhất toàn ngành, tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất Việt Nam.

Vietcombank đã sẵn sàng đón nhận cơ hội thời kỳ hậu Covid-19 ảnh 2
 

Trước những khó khăn được đánh giá chưa từng có, nhằm chia sẻ khó khăn, Vietcombank đã có những chính sách hỗ trợ nào và giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Với vai trò là ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, Viecombank cam kết luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Điều này được thể hiện bằng hàng loạt các giải pháp và hành động kịp thời, thiết thực đã được Viecombank triển khai trong thời gian qua theo đúng chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ngay từ đầu năm 2020, Viecombank đã triển khai các chương trình lãi suất cho vay đặc biệt, cụ thể: (i) Giai đoạn 1, giảm lãi suất cho vay thông qua chương trình cho vay mới với quy mô dư nợ 30.000 tỷ đồng, mức lãi suất từ 4,5-5%/năm, thấp nhất trên thị trường; (ii) Giai đoạn 2, tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho 90 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, tương đương gần 50% dư nợ hiện nay của Viecombank; (iii) Giai đoạn 3, giảm đồng loạt lãi suất tiền vay để hỗ trợ toàn bộ danh mục các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân ở cả mục đích vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi suất của Viecombank với mức lãi suất luôn thấp hơn 0,5% - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường.

Vietcombank đã sẵn sàng đón nhận cơ hội thời kỳ hậu Covid-19 ảnh 3
 

Viecombank cũng đã thực hiện giảm đồng loạt phí giao dịch ngân hàng điện tử 24/7 cho khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch COVID-19. Ước tính tổng số tiền lãi và phí của Viecombank chia sẻ với khách hàng ở mức gần 3.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Viecombank cũng đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho các tổ chức, đơn vị để mua trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm phòng chống dịch bệnh.

Trong những khó khăn hiện tại của kinh tế thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tương lai ASEAN vẫn được đánh giá khá tươi sáng và tăng trưởng sẽ sớm quay trở lại. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội này của khu vực? Theo ông, mỗi doanh nghiệp cần phải làm gì? Và các nhà hoạch định chính sách ở tầm khu vực và quốc gia nên làm gì để hỗ trợ những nỗ lực này của doanh nghiệp.

Với việc thích ứng, chủ động và linh hoạt ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ASEAN vẫn được coi là khu vực có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất sau đại dịch. Do đó, đây là khu vực thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, kinh doanh quốc tế trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Cộng đồng ASEAN cần kết nối hiệu quả trong nội khối và hội nhập sâu rộng với bên ngoài, dựa trên sự sáng tạo, ổn định và hài hòa với sự lan tỏa của cách mạng công nghiệp 4.0 trong đời sống kinh tế - xã hội của cả cộng đồng.

Nhằm tận dụng những cơ hội của khu vực, về tổng thể, các doanh nghiệp trong khối ASEAN nên xây dựng chiến lược thích ứng, linh hoạt đi cùng việc chuyển đổi công nghệ số, theo ba nhóm giải pháp. Đầu tiên là tập trung quản lý khủng hoảng và quản lý thanh khoản. Thứ hai: hướng đến tạo ra những giá trị ngắn hạn thông qua việc rà soát, đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng hiệu quả hoạt động và tăng dòng tiền. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cải tổ phương thức phản hồi… nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách của cộng đồng ASEAN cần tiếp tục thống nhất thực hiện chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi gồm: Tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; Xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; Bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn; Tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để xử lý các thách thức mà các nền tảng thương mại điện tử đang phải đối mặt; Tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế, giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số.

Với khả năng linh hoạt, thích ứng tốt của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp khu vực ASEAN nói chung, tôi cho rằng, sau đại dịch Covid-19, khu vực ASEAN vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Với xu thế đó, các doanh nghiệp cần chuần bị lộ trình và cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh lõi theo tình hình kinh tế mới.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước đầu tư vào Việt Nam và ASEAN, ông đánh giá thế nào về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và Vietcombank hậu Covid-19?

Việt Nam là thị trường năng động của năng động. Như Thủ tướng đã nhận định, chúng tôi cũng cho rằng, sau đại dịch Covid-19, khu vực ASEAN nói chung và đặc biệt là Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI nước ngoài.

Vietcombank – ngân hàng vốn có thế mạnh phục vụ các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp FDI. Do đó đây sẽ là cơ hội rất lớn cho Vietcombank và Vietcombank đã sẵn sàng đón nhận cơ hội này.

MỚI - NÓNG