Việt Nam xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD trong 8 tháng

Dệt may đang có nhiều lợi thế đề xuất vào thị trường EU Ảnh: Như Ý
Dệt may đang có nhiều lợi thế đề xuất vào thị trường EU Ảnh: Như Ý
TP - Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 336,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 174,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 162,2 tỷ USD. Tính chung, đến nay Việt Nam đã xuất siêu tổng cộng 11,9 tỷ USD.

Dù xuất siêu tăng nhưng nhìn vào cơ cấu xuất khẩu có thể thấy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tính cả dầu thô, vẫn đang là động lực dẫn dắt nền kinh tế khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu với 113,31 tỷ USD xuất khẩu. Khu vực kinh tế trong nước dù tiếp tục được coi là điểm sáng với mức tăng 15,3% nhưng giá trị chỉ đạt gần 35% với 60,80 tỷ USD xuất khẩu.

Các số liệu cho thấy, đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể; điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD; hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD; giày dép đạt 10,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD. Dù đã đưa ra những dự báo rất bi quan từ hồi quý I khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, nhưng đến nay xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, điện tử không bị tụt giảm quá nhiều.

Bên cạnh dấu hiệu tích cực của nhiều mặt hàng công nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động khá lớn của dịch COVID-19 khi giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11,3%; hạt điều đạt 2 tỷ USD, giảm 5,4%; cao su đạt 1,2 tỷ USD, giảm 12,7%; hạt tiêu đạt 445 triệu USD, giảm 20%.

Về xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...”, Bộ Công Thương nhận định.

MỚI - NÓNG