Theo kết quả bỏ phiếu, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ bầu cho Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực HĐBA.
Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực trong HĐBA LHQ. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử là nhiệm kỳ 2008-2009 và đã từng đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, HĐBA là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
10 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ hai năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới được bầu. So với 5 nước thành viên thường trực cố định (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc), các vị trí ủy viên không thường trực còn được đánh giá cao hơn về uy tín vì phải trải qua quá trình bỏ phiếu.
Với việc trúng cử nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam được cho sẽ gặt hái nhiều thành công hơn về mặt ngoại giao trong quá trình tham gia sâu hơn vào việc định hình các thể chế đa phương. Các lợi ích ngoại giao này cũng có ý nghĩa đặc biệt khi nhiệm kỳ tới sẽ trùng với năm Việt Nam nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại HĐBA LHQ từ ngày 1/1/2020. Việt Nam sẽ có khoảng 6 tháng để chuẩn bị vào ghế Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng 1/2020.
Đồ họa TTXVN