Chia sẻ thông tin tại hội thảo về vấn đề giảm cầu sừng tê giác ở Việt Nam hôm 27/8, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan quản lý Cites (Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế về các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam cho biết, việc sử dụng sừng tê giác cũng như giá loại sừng này ở Việt Nam hiện đang giảm.
Theo ông Tùng, năm 2012, báo cáo của một số tổ chức quốc tế (dùng số liệu điều tra trong năm 2010-2011), cho rằng, Việt Nam là tâm điểm tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. “Thực ra đây là báo cáo một chiều. Chúng tôi thừa nhận ở Việt Nam có sử dụng sừng tê giác, nhưng mức độ không như báo cáo nêu” - ông Tùng nói.
Ông Tùng cho hay, những năm 2010-2011, tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam là tương đối. Thời điểm đó, giá sừng tê giác “chợ đen” khoảng 120 -130 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, gần đây, lượng người rao bán sừng tê giác giảm mạnh, giá “chợ đen” còn khoảng 60-70 triệu đồng/lượng, thậm chí rẻ hơn.
Ở Việt Nam, trong đông y, sừng tê giác được sử dụng chữa trị nhiều bệnh, từ sốt tới ảo giác, đau đầu. Gần đây, những người giàu có còn dùng bột sừng tê giác hòa vào nước uống giải rượu; thậm chí có thông tin sừng tê giác chữa bệnh ung thư. Nhưng đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào về tác dụng của sừng tê giác. Trong khi đó, phần lớn, sừng tê giác bán trên thị trường là sừng giả.
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2008 đến giữa tháng 8/2013, cả nước bắt được 13 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác, với khối lượng trên 120 kg. Sừng tê giác thường nhập về bằng đường hàng không, hầu hết có nguồn gốc từ Nam Phi, sau đó tái xuất đi nước thứ 3.
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên - WWF cho hay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, những kẻ săn trộm đã sử dụng súng trường hạng nặng, máy bay trực thăng, các thiết bị định vị ban đêm, thuốc gây mê động vật. Một số đối tượng còn rải chất độc lên xác tê giác để giết những con kền kền, vì sự xuất hiện của loài chim ăn thịt này báo hiệu, gây chú ý cho cơ quan chức năng tới khu vực có xác chết tê giác.
Bà Kgomotso Ruth Magau, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam cho biết, nạn săn bắn trộm tê giác đang leo thang ở Nam Phi, có liên quan nhu cầu sử dụng sừng tê giác làm vị thuốc trong đông y và biểu tượng cho sự giàu có, quyền lực ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Nam Phi đang nỗ lực để lấp “lỗ hổng” về pháp luật để bảo vệ loài tê giác.