Sách giáo khoa bội thu
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác xuất bản sáng 22/3, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định, trong năm 2023 các nhà xuất bản đều nỗ lực, chủ động trong việc giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh và nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng. Tổng doanh thu đạt hơn 4.105 tỷ đồng (tăng 4,98%), lợi nhuận (sau thuế) đạt hơn 450 tỷ đồng (tăng 8,4%).
Ông Nguyễn Nguyên cho biết, số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay đã được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, có thể kể đến: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Nhà giả kim, Cây cam ngọt của tôi, Nghĩ giàu và làm giàu… Một số đầu sách nói đạt 1 triệu lượt nghe.
Doanh thu hơn 4 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên mảng sách giáo khoa, tham khảo lại chiếm quá nửa |
Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng đạt nhiều thành tựu. Trong đó, phát hành xuất bản phẩm điện tử được đánh giá là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của lĩnh vực xuất bản. Theo đó, doanh thu sách nói tăng trưởng tốt, đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng (theo báo cáo của các doanh nghiệp trong năm 2022 và năm 2023).
Đến ngày 15/3/2024, cả nước có 2.771 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động, số lượng cơ sở in năm 2023 tăng 3,7% so với năm 2022. Năm 2023, theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, cả nước có 79 cơ sở in đã giải thể (chiếm 2,85% tổng số cơ sở in), trong đó các cơ sở in nhà nước chiếm 50,6%.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, nhiều đại biểu nêu một số vướng mắc. Doanh thu xuất bản hơn 4 nghìn tỷ đồng nhưng quá nửa đến từ mảng sách giáo khoa, tham khảo. Mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số nhà xuất bản khối đại học xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu. Việc liên kết xuất bản cũng chưa mang lại hiệu quả vượt bậc. Sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, sự buông lỏng quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Thaihabooks) ước ao Việt Nam có những cuốn sách bán chạy cả triệu bản như thế giới. Đây được xem là một trong những chỉ số cho thấy sự phát triển của xuất bản nước nhà, cơ sở hình thành những tập đoàn xuất bản. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, những cuốn sách bán chạy ở nước ngoài chưa chắc phù hợp với thị hiếu người Việt. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là các đơn vị xuất bản chú trọng hơn ở lựa chọn bản thảo, nghiên cứu nhu cầu của độc giả Việt.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành xuất bản đang gặp khó khăn, là "giai đoạn nhiều đau đớn". Ông khẳng định ngành xuất bản cần đổi mới, sáng tạo, cần thích nghi với cách mạng công nghệ. “Cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng, sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế, hoàn thành vai trò "nhạc trưởng" để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững", ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành xuất bản phải tìm ra nhiều sản phẩm, phù hợp với độc giả Việt, bởi độc giả ở đâu, ngành xuất bản phải có mặt ở đó. Các NXB cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn trải nghiệm những mô hình mới, hình thức xuất bản, phát hành mới từ đó tìm ra bản sắc riêng cho từng NXB.
Nỗ lực vực dậy ngành in
Chiều 22/3, Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp tục tổ chức hội nghị triển khai công tác ngành in năm 2024. Cục trưởng Nguyễn Nguyên khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, ngành in đối mặt nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, thiếu các doanh nghiệp đầu ngành dẫn dắt, thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu hội nhập,… Chính vì thế, ngành in phải đồng hành với xuất bản để cùng lớn mạnh. Để làm được điều này, nhiệm vụ chống in lậu cần đặt lên hàng đầu.
Trong năm 2024, xu hướng đầu tư sang in kỹ thuật số toàn bộ thay thế in truyền thống đang được nhiều nhà in quan tâm, tuy nhiên với sản phẩm và suất đầu tư ở thị trường Việt Nam, chưa có nhà in nào đủ quy mô đầu tư in kỹ thuật số toàn phần. Trong giai đoạn chuyển giao giữa các xu thế chung, các nhà in vẫn chú trọng kết hợp hài hòa giữa in kỹ thuật số và các công nghệ in truyền thống.
“Các cơ sở in cần chủ động tìm hiểu thị trường in xuất khẩu trên thế giới để chuẩn bị các chứng chỉ quốc tế về tiêu chuẩn quản lý, chất lượng sản phẩm. Xây dựng dây chuyền sản xuất phù hợp, tăng cường giao lưu học hỏi, cập nhật các tiêu chuẩn mới về sản phẩm in bền vững, sản xuất xanh cũng là nhiệm vụ quan trọng”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam nhận định, năm 2023, ngành công nghiệp in Việt Nam gặp những khó khăn chưa từng có do sức mua của thị trường giảm. “Những ngành hàng và lĩnh vực giúp cho nền kinh tế có tăng trưởng lại ít sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp in như lúa, gạo, trái cây, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng... Còn các ngành hàng sử dụng hàng tỷ USD tiền bao bì như may mặc, giày da, thực phẩm chế biến, rượu bia... lại giảm sút nghiêm trọng. Khối in xuất bản phẩm thiếu việc làm ngay từ đầu năm do việc tổ chức đấu thầu và triển khai in sách giáo dục chậm hơn rất nhiều so với các năm trước. Để kịp có sách phục vụ cho năm học mới, các nhà in đã phải tổ chức tăng ca, làm thêm giờ, không nghỉ chủ nhật làm tăng chi phí rất đáng kể, trong khi trước và sau Tết lại không có việc làm”, ông Nguyễn Văn Dòng cho biết. Sản lượng của toàn ngành công nghiệp in Việt Nam có thể giảm tới trên dưới 10% so với năm trước.
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam khẳng định, nếu các doanh nghiệp in Việt Nam không có sự chuyển biến tích cực, nếu thiếu sự hỗ trợ của cơ chế chính sách của nhà nước một cách quyết liệt thì có nguy cơ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thao túng thị trường in Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc các sản phẩm in cao cấp và in xuất khẩu.