Hải quan Hải Phòng phát hiện ngà voi được cất giữ trong bao tải vỏ ốc. |
Thủ đoạn tinh vi
Tại hội thảo quốc tế về chống buôn bán trái phép hổ và các loài hoang dã tổ chức hôm qua, ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cho biết, hiện việc buôn bán các mẫu, động thực vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam như hổ, ngà voi, tê tê, sừng tê giác... diễn ra rất phức tạp. 6 tháng đầu năm 2010, cả nước phát hiện xử lý gần 700 vụ vi phạm với 5.000 động, thực vật hoang dã bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép.
Thống kê của cơ quan CITES Việt Nam cho thấy, từ 2004-2009, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 12 vụ nhập khẩu trái phép sừng tê giác; từ năm 2007 đến 2010 có 8 vụ buôn bán, cất giữ hổ và các sản phẩm hổ (hổ sống, xương hổ, hổ đông lạnh) trái phép được lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý. Cũng trong giai đoạn năm 2009 - 2010, riêng lực lượng hải quan Hải Phòng bắt giữ gần 15 tấn ngà voi...
Theo ông Tùng, việc buôn bán, vận chuyển các mẫu vật trái phép trên diễn ra rất tinh vi. Đối tượng tham gia vận chuyển cũng đa dạng, từ đối tượng chuyên nghiệp, nhà ngoại giao, lưu học sinh... Hàng vận chuyển được giấu trong quần áo, hành lý, thùng chứa, container, qua đường bưu điện, hoặc gian lận, giả mạo, đánh lận giấy tờ. Đặc biệt lực lượng hải quan Hải Phòng đã phát hiện các vụ cất giấu vảy tê tê và mai rùa trong rong biển, ngà voi giấu trong vỏ ốc, cắt đoạn đóng trong thùng các tông.
Đại diện Cảnh sát Môi trường cho biết, hổ sống thường được tiêm thuốc gây mê, nhốt trong cũi sắt, đảm bảo cho hổ ngủ trong vòng 12 tiếng, đủ thời gian cho xe (xe tải, xe khách có hầm chứa rộng) chạy 2-3 giờ. Còn hổ đông lạnh (nguyên con) để trong thùng bảo ôn vận chuyển bằng xe bán tải; các sản phẩm hổ đông lạnh thường xẻ nhiều phần, giấu trong thùng, hoặc container ướp lạnh vận chuyển bằng taxi, ô tô đời mới.
Hổ trong thùng đông lạnh. |
Thành trạm trung chuyển lớn
Theo ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), đối với ngà voi, hổ, sừng tê giác..., Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ, là trạm trung chuyển đi các nước khác. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam bắt được những vụ vận chuyển trái phép liên tục.
Theo Tổng cục Hải quan, đối với ngà voi, các đối tượng thường “rửa tuyến” bằng chuyển hàng qua nhiều cảng như Hồng Kông, Singapore sau đó cập cảng Hải Phòng, cất giấu dưới dạng hàng tạm nhập. Sau đó, nguồn hàng này sẽ tái xuất sang Trung Quốc tại các cửa khẩu phía Bắc. Còn đối với hổ, chủ yếu đi đường bộ qua biên giới, qua các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar... rồi xuất đi các nước khác.
Ông Tuấn cũng cho biết, việc ngăn chặn nạn này vẫn dựa nhiều vào nguồn tin của cảnh sát quốc tế Interpol, mạng lưới chống buôn bán trái phép các loại động thực vật hoang dã Đông Nam Á (ASEAN-WEN) và thông tin trình báo. Còn việc kiểm tra thông tin công khai, rất khó phát hiện.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế đã có các bản nhận dạng về mẫu, động thực vật nguy cấp, đồng thời cũng thiết lập các đội đặc nhiệm, phối hợp với Interpol nhằm xử lý các vụ vi phạm xuyên quốc gia.
Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho biết, hiện có một số người Việt Nam sang Nam Phi xin giấy phép săn bắn (nước này vẫn còn cấp phép), kết hợp với một số người buôn bán động vật hoang dã. Hiện có 7 người Việt Nam vẫn bị bắt giữ tại Nam Phi liên quan đến săn bắn, vận chuyển, buôn bán sừng tê giác. “Đây là hình ảnh không đẹp. Năm 2009, Nam Phi chỉ mất khoảng 120 con tê giác bị săn bắt trái phép, thì năm nay đã lên 250 con” - Ông Tuấn nói. |