Ngày mai (23/8), Đại hội đồng AIPA-42 chính thức được khai mạc, với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trao đổi với phóng viên về những nội dung chính mà Việt Nam tham gia tại Đại hội đồng AIPA-42.
Ông có thể cho biết, công tác chuẩn bị cho Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA được triển khai thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại hội đồng AIPA 42 là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Đại hội đồng lần này sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 23-25/8. Về thành phần, đoàn Việt Nam gồm 15 đại biểu Quốc hội có chuyên môn, ngoại ngữ và kinh nghiệm tham dự các hội nghị quốc tế và khu vực.
Về nội dung nghị sự, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên toàn thể lần thứ nhất sẽ tập trung vào đánh giá tình hình thế giới và khu vực, qua đó nêu cao vai trò của hợp tác đa phương và sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Đồng thời ghi nhận những nỗ lực của ASEAN và các quốc gia thành viên trong kiểm soát đại dịch COVID-19; khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và quan điểm của Việt Nam về hợp tác vắc-xin…
"Tại Đại hội đồng AIPA – 42, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chuyển tới bạn bè khu vực và cộng đồng quốc tế thông điệp về một đất nước Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực và chủ động trong hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực, chủ động, tích cực, đồng hành cùng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống COVID – 19", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.
Cùng với đó, Chủ tịch nước cũng có thông điệp chào mừng Đại hội đồng AIPA 42, hoan nghênh quan hệ hợp tác nghị viện AIPA cũng như sự đồng hành và ủng hộ Chính phủ các nước thành viên ASEAN phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, phối hợp cùng Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN củng cố và duy trì môi trường hòa bình, an ninh…
Về phiên họp Nữ nghị sỹ AIPA, đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết về thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm. Phát biểu một số nội dung về hoạt động của Quốc hội Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà |
Còn tại các Uỷ ban khác thì sao, thưa ông?
Tại Ủy ban Chính trị, đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 4 dự thảo nghị quyết, phát biểu một số nội dung về hợp tác an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu ở Việt Nam và trong ASEAN, thúc đẩy an ninh con người, thúc đẩy ngoại giao nghị viện và nêu một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA- ASEAN trong lĩnh vực này.
Trong đó, Nghị quyết 01 về tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN, đoàn Việt Nam dự kiến đề xuất thành lập các cơ chế hợp tác khu vực qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch; đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức chung và hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, hướng tới một khuôn khổ hợp tác khu vực để tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.
Còn Nghị quyết 02 về Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN,đoàn Việt Nam tham gia ý kiến: Khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận an ninh con người, trên cơ sở cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền và các văn bản khác có liên quan của ASEAN.
Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến an ninh con người, Việt Nam đề nghị các Nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Còn tại Uỷ ban Kinh tế thì sao, thưa ông?
Tại Ủy ban này, đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo nghị quyết trong chương trình nghị sự.
Nghị quyết 01 về “Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN”, đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp vào Nghị quyết theo hướng ủng hộ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ASEAN;
- Nghị quyết thứ hai về “Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN”, đoàn Việt Nam dự kiến tập trung vào khuyến nghị các nước có chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch; thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về du lịch; đồng thời kêu gọi các nước chia sẻ những tiêu chí đánh giá rủi ro, quy định xét nghiệm và hiện trạng tiêm chủng vắc-xin nhằm xây dựng hệ thống đánh giá, ưu tiên những thị trường trọng điểm…
Cảm ơn ông!