Cụ thể, ngày 25/3 Việt Nam sẽ nhận 1.373.800 liều vắc-xin; tháng 4 tiếp nhận 2.803.200 liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF). Ngoài ra, trong tháng 4, tiếp nhận 1,48 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua Công ty Cổ phần vắc-xin Việt Nam. Tổng cộng trong 2 tháng này, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
COVAX facility là cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc-xin và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc-xin một cách công bằng và hiệu quả. Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của UNICEF là làm mọi cách để đưa vắc-xin một cách nhanh chóng và an toàn đến Việt Nam.
Chiến dịch này không chỉ để hỗ trợ về mặt y tế cho Việt Nam, mà còn góp phần vào việc khôi phục nền kinh tế của Việt Nam, do những ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, UNICEF cho biết sẽ cung cấp 1 tỷ ống tiêm và 10 triệu hộp an toàn trong năm 2021 để đảm bảo các quốc gia sẵn sàng triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19.
Theo Bộ Y tế, vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc-xin của AstraZeneca, một trong ba vắc-xin đã được WHO chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hà Nội bắt đầu tiêm cho 2 nhóm đối tượng
Cùng ngày, Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin cho y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo kế hoạch của Sở Y tế, trên 95% nhóm đối tượng ưu tiên đợt 1 (dự kiến khoảng 7.235 đối tượng) nguy cơ cao mắc COVID-19 sống trên địa bàn Hà Nội được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.
Cụ thể, đợt 1 này, thành phố tiêm vắc-xin cho hai nhóm đối tượng. Nhóm 1 là người làm việc trong các cơ sở y tế và nhóm 2 là những người tham gia phòng, chống dịch. Đây là những người trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh.
Thời gian thực hiện tiêm từ ngày 9-18/3 với phạm vi 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Với chiến dịch này, Hà Nội sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động thêm cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Ông Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện tiến hành tiêm cho 30 nhân viên y tế. Trước đó, bệnh viện đã thông báo đến những người được tiêm các phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm. Đồng thời, thiết lập quy trình tiêm chủng riêng khép kín một chiều, từ khâu tiếp đón, đo thân nhiệt, bảo đảm giãn cách, khám sàng lọc...
“Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, bệnh viện đã triệu tập nhân viên y tế có chứng chỉ tiêm chủng. Những người được tiêm được theo dõi sức khỏe sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị”, ông Đào Quang Minh nói.
Trong buổi tiêm sáng qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra tất cả các quy trình tiêm chủng từ khu vực đăng ký, khám sàng lọc, đến khu vực tiêm chủng, theo dõi sau tiêm... Theo quyết định của Bộ Y tế, Hà Nội được phân bổ 8.000 liều trong tổng số 117.600 liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên được nhập về Việt Nam vào ngày 24/2.
Sau tiêm không gặp bất thường về sức khỏe
Ngày 9/3, Bộ Y tế cho biết, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và tỉnh Hải Dương - những điểm nóng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên đều không có những biểu hiện sức khoẻ bất thường sau tiêm. Các y bác sĩ, nhân viên y tế được tiêm vắc-xin COVID-19 trong ngày đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đi làm bình thường trong ngày 9/3.
ThS Phạm Thị Nguyệt Quyên, Phụ trách phòng Công tác Xã hội chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi vắc-xin khi được đưa ra thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và quy định của WHO rồi, nên không có gì phải lo lắng. Tôi tin tưởng vào sự an toàn của vắc-xin”. Chị Quyên cho hay, sau khi theo dõi 30 phút tại Phòng Tiêm chủng chị đã trở lại công việc bình thường.
“Cả đêm qua cơ thể tôi không có phản ứng gì. Sáng 9/3, tôi vẫn đến cơ quan làm việc như mọi ngày”, chị Quyên nói.
TSVũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết: “Sau khi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tôi hơi bị mệt mỏi giống như khi tiêm các mũi phòng cúm khác. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, nên tôi không có gì phải lo lắng cả. Sáng 9/3, sức khỏe của tôi ổn định, vẫn đi làm bình thường tại Trung tâm Phòng, chống dịch”.
Tối 9/3, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tiền Giang. Ca bệnh tại tỉnh Hải Dương ghi nhận ở huyện Cẩm Giàng, là F1 của BN2339, đã được cách ly tập trung từ ngày 9/2. Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có 84 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
61 cán bộ y tế Gia Lai tiêm vắc-xin phòng COVID-19
Ngày 9/3, Gia Lai bắt đầu tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, sáng cùng ngày, 61 cán bộ y tế xếp hàng trước sảnh Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai đợi đến lượt tiêm. Nhiều người không giấu nổi sự hồi hộp, vui mừng khi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Trước khi tiêm, những cán bộ này được kiểm tra thân nhiệt, huyết áp, khám sàng lọc…
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã nhận được 1 nghìn liều vắc-xin phòng COVID-19, còn 900 liều về sau. Theo đó, trong tổng số 1,9 nghìn liều vắc-xin, đối tượng ưu tiên là lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 (người làm việc tại các cơ sở y tế trực tiếp điều trị người bệnh COVID-19). Đối tượng ưu tiên còn là người làm việc tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, người làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ và xét nghiệm COVID-19.Tiền Lê