Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định như vậy trong cuộc họp báo chiều 12/10 để trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước thông tin hôm 10/10 về việc một tàu khu trục của Mỹ di chuyển đến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
Với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình. Theo đó, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, bà Hằng nói.
Reuters hôm 10/10 dẫn thông tin từ ba quan chức giấu tên của Mỹ đưa tin tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Chafee thực hiện hoạt động tuần tra bình thường để thách thức “những đòi hỏi trên biển quá mức” ở quần đảo Hoàng Sa.
Hoạt động này được coi là hành động phản đối điều mà Washington coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải ở vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
Lầu Năm góc không bình luận trực tiếp về thông tin này, nhưng nói rằng Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động tự do hàng hải định kỳ và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh ông Trump dự kiến sắp có chuyến thăm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Giới quan sát cho rằng sự việc này khiến Bắc Kinh khó chịu, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyến thăm của ông Trump vì hai bên sẽ tập trung vào những vấn đề thương mại và hạt nhân của Triều Tiên.
Về câu hỏi rằng gần đây Việt Nam có ghi nhận dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc đang gia tăng hoạt động hải quân quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bà Hằng khẳng định lập trường nhất quán và kiên định của Việt Nam là có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả các hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và không có giá trị.