TPO - Tối 8/4, 80 bức ảnh của tác giả Michel Blanchard - nhà báo Pháp được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp với tên gọi “Việt Nam những năm 80”.
Những bức ảnh của Michel Blanchard trong suốt 10 năm thường xuyên tới Việt Nam được đánh giá là tư liệu rất quý hiếm, nó ghi dấu những thay đổi mạnh mẽ của thập niên 80 và thời kì đổi mới, hội nhập kinh tế của đất nước ta.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Qua góc nhìn rất đỗi nhân văn của Michel Blanchard, Việt Nam hiện lên là một đất nước với những gì bình dị nhất, khát khao hòa bình và đang biến chuyển từng ngày. Có thể nói, mỗi bức ảnh được trưng bày trong triển lãm đều thể hiện một cách chân thực và sống động đời sống của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Tính hiện thực của từng bức ảnh đã làm nên giá trị vững bền của nó, không còn dừng lại ở vẻ đẹp về bố cục, màu sắc, đường nét- những gì thuộc về tính nghệ thuật…
Triển lãm lần này là cơ hội để công chúng có thể hồi tưởng về hình ảnh của một Việt Nam trước đây cũng như tận hưởng cảm giác dạo bước trên đường phố Hà Nội 30 năm về trước.
Những bức ảnh mang trong mình kí ức Hà Nội xưa đã đem đến rất nhiều cảm xúc cho người xem.
"Với Việt Nam, cuộc gặp gỡ diễn ra vào tháng Sáu năm 1983. Việt Nam là một đề tài tuyệt vời đối với tôi, một cảm giác ngây ngất không bao giờ chán. Tất cả cuốn hút tôi: con người, cảnh quan, những ngành nghề nhỏ, kiến trúc, ánh sáng. Khi xem một số bức ảnh, thậm chí tôi còn thấy cả mùi hương. Tôi có nhiều ảnh về Việt Nam hơn hẳn những bức tôi chụp ở các nước khác." Đó là lời chia sẻ của nhiếp ảnh gia Michel Blanchard, tác giả của những bức ảnh có một không hai về Việt Nam trong những năm trước thời mở cửa, hiện đang được trưng bày tại triển lãm "Việt Nam, những năm 80". Là phóng viên của AFP từ năm 1976 đến năm 2006, Michel Blanchard đảm nhiệm vị trí giám đốc văn phòng AFP tại Hà Nội từ năm 1981 đến năm 1983. Sau khi kết thúc nhiệm kì phóng viên tại Việt Nam, ông vẫn thường xuyên đến đây trong suốt hơn 10 năm để viết sách du lịch và chụp ảnh. Từ những chuyến đi này, ông phát hiện ra một Việt Nam bí ẩn, một Việt Nam nguyên vẹn, một Việt Nam chuyển mình phát triển từng ngày. |
Những bức ảnh của Michel Blanchard có thể được coi là nhân chứng cho một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của đất nước Việt Nam - giai đoạn mở cửa.
Hình ảnh tàu điện chạy trên phố Hàng Đào được tác giả chụp năm 1984. Hà Nội 1983 - tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng. Xa xa, tòa nhà màu trắng là Bưu điện Hà Nội với chiếc đồng hồ quen thuộc hàng chục năm vẫn chạy tốt. Một thiếu nữ ngồi chờ sửa xe đạp bên đường vào năm 1982. Thợ cắt tóc đường phố ở Huế năm 1988. Bức tranh cổ động dựng ở Huế năm 1982. Bên cốc cà phê vỉa hè tại chợ Hôm (Hà Nội) năm 1984. Cửa hiệu cạnh chợ Đà Lạt năm 1983. Các em học sinh tại một trường học ở Hà Nội năm 1982. Trẻ em chơi trước bảo tàng ở Điện Biên Phủ năm 1983. Trẻ con Thái đen trên đường đi Điện Biên Phủ năm 1983. Tiệm cắt tóc phố Đồng Khởi (TP. Hồ Chí Minh) năm 1983. Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) năm 1984. Nhiếp ảnh gia trong công viên Thống Nhất (Hà Nội) năm 1983. Bờ Hồ Tây (Hà Nội) năm 1982. Cặp vợ chồng Hà Nội ngồi nghỉ bên bờ hồ Hoàn Kiếm một ngày Chủ nhật năm 1983. Hoa phượng nở bên hồ Thiền Quang (Hà Nội) năm 1983. Cha và con, một ngày Tết bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm 1982. Vịnh Hạ Long năm 1981. Triển lãm "Việt Nam, những năm 80" thu hút người xem thuộc nhiều lứa tuổi. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cũng đã đến xem triển lãm để hồi tưởng lại những năm tháng ấu thơ. Nhà sử học Dương Trung Quốc (trái) cùng Đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Jean Noel Poirier (phải) xem triển lãm. Chàng trai áo đỏ tên Phong chính là cậu bé trong bức ảnh được Michel Blanchard chụp cách đây 30 năm trong một ngày mùa hè trên phố Phùng Khắc Khoan.