Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của tòa án Pháp trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga

TPO - Hôm nay (22/8), một tòa án ở Paris bác bỏ đơn kháng cáo của cựu nhà báo người Pháp gốc Việt Trần Tố Nga. Bộ Ngoại giao lấy làm tiếc về quyết định này.
Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của tòa án Pháp trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga ảnh 1

Trần Tố Nga.

Bà Trần Tố Nga cáo buộc 14 công ty hóa chất nông nghiệp gây ra tác hại nghiêm trọng cho bà và những người khác bằng cách bán chất độc màu da cam/dioxin cho quân đội Mỹ để rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (22/8), trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định của toà án, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của Toà phúc thẩm Paris. Chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm về việc này. Dù chiến tranh đã qua, nhưng những hậu quả nặng nề vẫn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có hậu quả của chất độc da cam/dioxin".

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân của chất độc da cam/dixion, yêu cầu các công ty cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ phải có trách nhiệm với những việc đã gây ra”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Bà Phạm Tố Nga thua vụ kiện đầu tiên vào năm 2021, khi một tòa án Pháp ra quyết định rằng các công ty liên quan được hưởng quyền miễn trừ truy tố vì họ làm việc cho một chính phủ có chủ quyền.

Tòa án phúc thẩm vẫn dựa trên lý lẽ này và bác bỏ đơn kháng cáo của bà Nga.

Các luật sư của bà Nga cho biết, bà sẽ đưa vụ kiện lên tòa phúc thẩm cấp cao nhất của Pháp để có phán quyết cuối cùng.

Các tổ chức môi trường và vận động ước tính khoảng 4 triệu người Việt Nam, Lào và Campuchia đã phơi nhiễm 76 triệu lít chất độc màu da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh để phá hủy rừng và nguồn tiếp tế lương thực của miền Bắc cho miền Nam Việt Nam, trong giai đoạn Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến.

Chất độc da cam/dioxin đã gây dị tật bẩm sinh cho khoảng 150.000 trẻ em Việt Nam, nhưng đến nay chỉ có các cựu chiến binh Mỹ, Úc và Hàn Quốc nhận được bồi thường cho hậu quả của loại hóa chất cực độc này.

MỚI - NÓNG