Việt Nam đón hiện tượng thiên văn thế kỷ

Kim tinh đi qua Mặt Trời
Kim tinh đi qua Mặt Trời
TP - Kim tinh đi qua Mặt Trời, hiện tượng thiên văn “cả đời chỉ gặp một lần” sẽ xuất hiện trên bầu trời VN vào sáng thứ 4 (ngày 6-6). Phải đến năm 2117, tức là 105 năm nữa, thế giới mới có thể chiêm ngưỡng lại hiện tượng này.

> Việt Nam đón xem nhật thực hình khuyên

Vào ngày 6-6, Kim tinh sẽ giống như một đốm đen nhỏ, từ từ đi xuyên qua đĩa Mặt Trời. Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch CLB Thiên văn trẻ Việt Nam cho hay, hiện tượng này sẽ kéo dài trong gần 7 tiếng đồng hồ và có thể quan sát được ở nhiều khu vực trên thế giới như Đông Úc, Tây Thái Bình Dương, Alaska, Đông Nam Á.

Trong đó, VN là địa điểm lý tưởng, có thể quan sát gần như trọn vẹn sự kiện này.

Thời gian quan sát ở VN là từ 5h30 (giờ Hà Nội) khi Mặt Trời bắt đầu mọc và kết thúc vào 11h44, trong đó thời điểm lý tưởng nhất để quan sát là 8h30.

Để đảm bảo an toàn khi quan sát, theo anh Sơn, người yêu thiên văn nên sử dụng kính chuyên dụng quan sát Mặt Trời, kính thợ hàn số 14 trở lên.

Tuyệt đối không sử dụng kính râm, phim X-Quang, kính hơ khói, giấy gói quà,… để quan sát. Tuyệt đối không quan sát qua kính thiên văn, ống nhòm nếu không được gắn phim lọc mặt trời chuyên dụng.

Chào đón hiện tượng thiên văn thế kỷ này, các CLB thiên văn trong cả nước đang nhộn nhịp chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức quan sát tập trung tại nhiều địa điểm.

Ngay trong tối mai 4-6, người yêu thiên văn cũng cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú khác: nguyệt thực một phần sẽ xuất hiện trên bầu trời TPHCM vào lúc 18h16 phút và ở HN lúc 18h38 phút. Hiện tượng này sẽ kết thúc lúc 19 giờ 6 phút cùng ngày.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG