Theo công bố Báo cáo về Xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Việt Nam xếp hạng 47/127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 bậc so với 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay.
Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba, sau Singapore và Malaysia, trên Thái Lan.
Cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra về đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 đều có các tiến bộ vượt bậc so với năm 2016. Nhóm chỉ số đầu vào tăng 8 bậc, trong đó hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc như thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, hạ tầng tăng và trình độ phát triển của thị trường tăng bậc. Nhóm chỉ số đầu ra tăng 4 bậc, trong đó đầu ra về tri thức và công nghệ.
Theo ông Hoàng Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ, nhóm nghiên cứu chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu không chấp nhận dữ liệu do các quốc gia cung cấp trực tiếp mà sử dụng dữ liệu thu thập và tính toán bởi các tổ chức quốc tế khác nhau nên rất khách quan. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu giống như một hồ sơ quốc gia, chỉ rõ điểm mạnh và điểm yếu của quốc gia đó với hơn 80 chỉ tiêu được căn cứ để xếp loại.
Ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017. “Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là những nước thu nhập trung bình cao nhưng chỉ xếp ở Top 50. Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp nhưng cũng chen chân vào nhóm đó là rất tốt”.
Theo ông Sacha Wunsch-Vincent, Việt Nam có đầu vào khiêm tốn nhưng lại đạt được hiệu quả cao về đổi mới sáng tạo. Đây là một thành công lớn khi WIPO xem xét 10 nước đổi mới sáng tạo hiệu quả nhất.
Theo ông Dương Chí Dũng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, dù có sự tăng trưởng vượt bậc về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu song nếu không có chính sách phù hợp thì Việt Nam vẫn có thể xuống nhiều bậc.
Đại sứ kiến nghị Nhà nước nên tổ chức các chuyến nghiên cứu, khảo sát hoặc thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương với các tổ chức quốc tế như WIPO và các nước thứ hạng cao nhằm học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ của họ.