Việt kiều gian nan sở hữu nhà

Kiều bào tìm hiểu mua nhà tại TPHCM.
Kiều bào tìm hiểu mua nhà tại TPHCM.
TP - Theo Luật Nhà ở đã được sửa đổi và bổ sung có hiệu lực vào ngày 1/7/2015, những người Việt tại nước ngoài có cơ hội được sở hữu các bất động sản lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại những vướng mắc gây khó khăn cho kiều bào.

Bỏ cuộc

Tại hội nghị có liên quan về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất, sở hữu nhà ở và tài sản đối với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại TPHCM ngày 31/10, ông Huỳnh Đăng Hải (kiều bào Pháp, ngụ Q.2) kể, sau khi biết Chính phủ có chủ trương cho phép Việt kiều sở hữu nhà tại quê hương, tôi đã về Việt Nam với chủ ý tìm mua một căn biệt thự nhằm để kinh doanh thời gian đầu, sau đó sẽ về để ở. Tuy nhiên, dù đã gần như hoàn tất thủ tục với bên chủ nhà, song khi ra chính quyền sở tại lại không đồng ý làm thủ tục vì họ cho rằng, hồ sơ chứng minh không được rõ ràng. “Dù tôi đã dẫn cả người họ hàng lẫn hàng xóm ra phường để chứng minh mình sinh ở VN, song họ vẫn không giải quyết mà bắt phải có giấy xác nhận của địa phương. Tôi sang Pháp đến nay đã hơn 30 năm, còn giấy tờ gì về nhân thân đâu” – ông Nhựt cho hay.

Chị Lê Thị Thùy Hoa (kiều bào Mỹ, Q. Tân Phú) chia sẻ đầy tiếc nuối: “20 tuổi, tôi lấy chồng là Việt kiều, sau đó theo chồng sang Mỹ định cư, lập nghiệp. Giờ muốn về góp sức xây dựng quê hương, nhưng ngặt nỗi, mình không có một chỗ ở cố định làm sao an cư. Cụ thể, khi tôi đi xem đất thì công ty tư vấn đòi tôi phải có quốc tịch Việt Nam, trong khi tôi bảo mình có hộ chiếu họ vẫn không chấp nhận. Chạy tới chạy lui gần cả năm trời, gõ cửa nhiều cơ quan nhà nước nhưng kết quả vẫn như vậy. Chán nản, chúng tôi đang có ý định quay trở lại Mỹ sống đến hết đời”.

Bà Phạm Thị Dung (kiều bào Đức, Q.9) bức xúc kể bà đã có giấy chứng nhận QSD đất tại Q.9. Trước khi về Việt Nam, bà đã cẩn thận xin lại hộ chiếu cũ lúc còn ở Việt Nam từ Đại sứ quán của Đức. Như vậy bà cầm về cả hộ chiếu mới (Đức) và hộ chiếu cũ (VN). Tại Việt Nam, bà muốn thay đổi số hộ chiếu mới vào giấy chứng nhận QSD đất, đến Phòng Tài nguyên môi trường Q.9, cán bộ yêu cầu bà phải chứng nhận mình là chủ nhân của hai số hộ chiếu này. Tôi phải bay ngược lại Đức để nhờ họ xác nhận, nhưng ở Đức, hai hộ chiếu của tôi nghiễm nhiên là một nên không cần xác nhận; trong khi nước mình thì đòi xác nhận. Vậy ai xác nhận cho tôi đây? Thời gian đã rất lâu rồi nhưng tới giờ tôi vẫn chưa thay đổi được số hộ chiếu của mình trên giấy QSD đất. Chắc phải bỏ cuộc!” – bà Dung than thở.

Nhiều vướng mắc

Theo Luật Nhà ở 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ như hộ gia đình, cá nhân trong nước. Mặc dù đã có khung pháp lý điều chỉnh, nhưng việc giải quyết vấn đề sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư nước ngoài vẫn còn nhiều vướng mắc. Đối với Việt kiều muốn mua nhà tại Việt Nam cần chứng minh được nguồn gốc, nhân thân của mình để có đủ điều kiện đứng tên chủ quyền bất động sản.

Ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ nhiệm UB về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết, cái khó nhất trong thủ tục sở hữu đất vẫn là xác nhận nhân thân. Thực tế khi kiều bào có hộ chiếu Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được đối xử như công dân Việt Nam. “Việc chứng nhận nguồn gốc người Việt do ba cơ quan phối hợp thực hiện là: Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam cần phải theo đúng quy định của pháp luật. Nếu muốn vay tiền từ ngân hàng thì phải tiến hành thêm một số thủ tục khác” – ông Phương hướng dẫn.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, số lượng kiều bào mua nhà tại VN vẫn còn rất ít. Lý do là luật kinh doanh bất động sản sửa đổi giới hạn số lượng nhà kiều bào được quyền sở hữu; kiều bào rất ít người có 100% tiền mặt khi mua nhà, mà phải vay ngân hàng. Nếu muốn vay ngân hàng nước ngoài thì phải chứng minh được quyền tư hữu, nhưng ở Việt Nam đất là của toàn dân, người dân chỉ có quyền sử dụng đất chứ không có quyền tư hữu. Như vậy “cửa” vay ngoại coi như bít; còn ngân hàng trong nước thì không dám cho kiều bào vay.

Ông Hiếu cho rằng, đã có quy định “mở” cho người nước ngoài (trong đó có kiều bào) được mua nhà thì không nhất thiết họ ở nước ngoài hay Việt Nam, kiều bào cũng không đặt nặng vấn đề nhân thân là người Việt thì mới được sở hữu nhà. “Muốn kiều bào mua được nhà thì luật và việc thực thi phải thông thoáng hơn, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài cần phổ biến sâu rộng, các công ty bất động sản phải tư vấn, giới thiệu những dự án khả thi cho kiều bào” - ông Hiếu chia sẻ.

TPHCM chỉ mới có 15 người nước ngoài, Việt kiều sở hữu nhà

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, đến ngày 15/5/2017 có 15 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài được cấp chứng nhận sở hữu nhà ở.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến có công văn gửi các Sở: Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Tư pháp cùng Bộ Tư lệnh TPHCM và Công an TP về việc chấn chỉnh công tác giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà tại TPHCM.

Ông Tuyến yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng TP khẩn trương phối hợp các đơn vị để xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại TP. Đồng thời, xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

Đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn TP. Lãnh đạo TP cũng giao lãnh đạo Sở này tăng cường kiểm tra, rà soát việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.