Nhiều trường hợp viêm phổi sau cảm cúm, nhưng bệnh cũng có thể liên quan đến các bệnh khác hoặc tự phát. Có thể viêm phổi 1 bên hoặc cả 2 bên.
Dấu hiệu và triệu chứng
Viêm phổi thường giống như cảm lạnh và cúm, nên người bệnh không biết được mình bị bệnh nặng hơn nhiều. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi rất khác nhau, phụ thuộc vào bệnh có từ trước hoặc loại vi sinh vật gây nhiễm khuẩn:
- Viêm phổi do vi khuẩn có thể tự phát hoặc sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như cảm lạnh hoặc cúm. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột, bao gồm rét run, sốt cao, đổ mồ hôi, đau ngực (viêm màng phổi) và ho có đờm đặc màu xanh hoặc vàng. Người bệnh cao tuổi hoặc bị bệnh mạn tính có ít triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hơn.
- Viêm phổi do virus tấn công chủ yếu vào mùa thu đông và nặng hơn ở người bị bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi. Bệnh thường khởi phát bằng ho khan, đau đầu, sốt, đau cơ và mệt mỏi. Khi viêm phổi tiến triển, bệnh nhân có thể khó thở và ho có đờm. Khi bị viêm phổi do virus, người bệnh cũng có nguy cơ viêm phổi do vi khuẩn thứ phát.
- Viêm phổi do Mycoplasma có triệu chứng xuất hiện từ từ và thường nhẹ hơn các loại viêm phổi khác. Người bệnh không bị ốm đến mức nằm liệt giường hoặc phải đi khám bệnh. Trên thực tế, người bệnh có thể không bao giờ biết là bị viêm phổi. Viêm phổi do Mycoplasma dễ lây truyền ở nơi tụ tập đông người và hay gặp ở nhà trẻ, học sinh và thanh niên. Mặc dù không phải do vi khuẩn, nhưng viêm phổi do Mycoplasma đáp ứng tốt với kháng sinh thích hợp.
- Viêm phổi do Chlamydia có triệu chứng giống như viêm phổi do Mycoplasma. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em lứa tuổi học đường.
- Viêm phổi do nấm có thể có triệu chứng viêm phổi cấp, một số người bị viêm phổi mạn tính kéo dài vài tháng.
- Viêm phổi do Pneumocystis carinii là nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất ở người bị AIDS, người có hệ miễn dịch suy giảm do điều trị corticosteroid, người ghép tạng hoặc ung thư. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm ho không dứt, sốt và khó thở.
Đi khám bệnh khi thấy ho dai dẳng, khó thở, đau ngực thay đổi theo nhịp thở và sốt không rõ nguyên nhân (đặc biệt sốt ≥39,5oC từ 2 ngày trở lên cùng với ớn lạnh và đổ mồ hôi) hoặc đột nhiên thấy mệt hơn sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm.
Điều trị
Điều trị viêm phổi thay đổi tùy thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng và thể viêm phổi.
- Do vi khuẩn: được điều trị bằng kháng sinh.
- Do virus: mặc dù một số viêm phổi do virus có thể điều trị bằng thuốc kháng virus, nhưng biện pháp điều trị khuyến nghị giống như với bệnh cúm (nghỉ ngơi và uống nhiều nước).
- Do Mycoplasma: được điều trị bằng kháng sinh.
Thêm vào các cách điều trị trên, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc không kê đơn để hạ sốt, giảm đau và trị ho do viêm phổi.
Phòng ngừa
Người bệnh bị viêm phổi vì miễn dịch của bản thân tạm thời suy yếu, thường không rõ lý do. Những gợi ý sau có thể giúp bạn khỏe mạnh:
- Tiêm vaccin. Vì viêm phổi có thể là biến chứng của cúm, tiêm phòng cúm hàng năm là cách hữu hiệu để phòng viêm phổi. Vaccin Prevnar có thể giúp bảo vệ trẻ nhỏ chống viêm phổi, được khuyên dùng cho tất cả trẻ dưới 2 tuổi và trẻ từ 2 tuổi trở lên có nguy cơ đặc biệt bị bệnh do phế cầu, như trẻ bị thiếu hụt miễn dịch, ung thư, bệnh tim mạch hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Rửa tay. Các mầm bệnh có thể đi vào cơ thể khi dụi mắt, dụi mũi. Rửa tay kỹ và thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Không hút thuốc lá. Khói thuốc làm tổn thương hàng rào bảo vệ tự nhiên của phổi chống lại nhiễm khuẩn hô hấp.
- Tự chăm sóc bản thân. Nghỉ ngơi phù hợp, ăn nhiều rau quả và ngũ cốc nguyên cám, tập luyện vừa phải.
- Bảo vệ người khác khỏi nhiễm khuẩn. Nếu bạn bị viêm phổi, cố gắng tránh tiếp xúc với người có hệ miễn dịch suy giảm. Bạn có thể bảo vệ người khác bằng cách đeo khẩu trang và luôn luôn ho vào khăn giấy.
Tự chăm sóc:
Các cách sau có thể giúp bạn hồi phục nhanh hơn và giảm nguy cơ bị biến chứng:
- Nghỉ nhiều.
- Uống nhiều, đặc biệt là nước.
- Dùng toàn bộ liệu trình các thuốc kê đơn.
- Giữ đúng lịch hẹn khám theo dõi.
Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Tuyết Mai