Dốc lòng
Thẩm phán Lê Hoàng Tấn sinh trưởng ở miền Nam, nhưng ông theo học và làm việc tại Hà Nội rất nhiều năm, trước khi chuyển vào lại TPHCM và làm thẩm phán tại đây: “Tôi học hành bài bản và rất tâm huyết, yêu nghề thẩm phán, có lẽ cả đời tôi chỉ có một lòng tận tụy với công việc thực thi pháp luật”.
Những ngày cuối tuần, khi mọi người có thể nghỉ ngơi giải trí với gia đình, bạn bè, du lịch đó đây, vị thẩm phán Lê Hoàng Tấn lại dành thời gian để nghiên cứu đờn ca tài tử. Ông nói: “Tôi đến với đờn ca tài tử vì yêu nghệ thuật của cha ông và muốn gìn giữ phát triển nghệ thuật này. Khi còn là sinh viên, tôi biết mình chỉ đi theo nghiệp thẩm phán, không theo nghề nghệ sĩ, vì tính cách tôi phù hợp với tư duy lô gic, khoa học. Nhưng tôi cũng thấy nhiều bài bản bị thất lạc quá, nghệ thuật cha ông bị mai một nhưng phương pháp bảo tồn lại chưa đúng, cần phải thay đổi. Ðờn ca tài tử với tôi như là một trách nhiệm với văn hóa ông cha”.
Những khi rảnh rỗi, Lê Hoàng Tấn thường tìm tới các bậc thầy về đờn ca tài tử, học mỗi người một chút. Ông có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc, hát các làn điệu vọng cổ rất hay. Vị thẩm phán nói: “Tôi học rất chi tiết, công phu, không phải để biểu diễn thành người nổi tiếng, mà để nắm lấy bài bản, truyền dạy cho đời sau, khỏi bị thất truyền”.
1000 học trò
Năm 1989, ông Lê Hoàng Tấn đã giành huy chương ở giải Bông lúa vàng trên Ðài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, với tiết mục đờn ca tài tử. Khi đó, phong trào đờn ca tài tử bắt đầu hồi phục nhưng trong xã hội, đa phần các bạn trẻ theo nhạc hiện đại, nhạc phương Tây.
Trung tâm văn hóa TP.HCM đã mời Lê Hoàng Tấn được tham gia ban chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử cùng nhiều nghệ nhân khác. Kể từ đó, ông đã tham gia giảng dạy nhiều câu lạc bộ tại TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam. Ông nói: “Tôi tính toán chưa thật đầy đủ lắm thì số học viên tôi trực tiếp giảng dạy và có thể nói là đã thành thục nghệ thuật đờn ca tài tử hiện khoảng 1.000 người”.
Ông dạy các học trò ở các câu lạc bộ sử dụng nhiều nhạc cụ như đàn kìm, đàn sến, guitar phím lõm và dạy hát các làn điệu tài tử làm sao cho đúng với bản gốc của cha ông. Chú ý tới niêm luật, học viên có thể sáng tác lời ca mới cho vọng cổ các loại nhịp 2, 4, 8, 16, 32…
Là nghệ nhân tâm huyết đồng thời là một công chức mẫn cán, ông nói: “Quá trình giảng dạy về đơn ca tài tử 30 năm qua, tôi biết rằng người chơi đàn ca tài tử ngày càng ít đi. Những người chơi đờn ca lại biết được rất ít bài bản, họ chỉ quen một số bài phổ biến thôi. Rất nhiều bài bản quan trọng đã bị thất lạc, thất truyền, một vài nghệ nhân biết được thì lại ít học trò, không truyền dạy rộng rãi, thậm chí giấu nghề. Cần phải khôi phục đơn ca tài tử một cách khoa học, thiết thực những cũng phải có chiều sâu”.
Năm 2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng Lê Hoàng Tấn danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Ðầu tháng 12/2013, UNESCO đã chính thức công nhận đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… đó là những ngày vui đối với ông.
Nghệ nhân Lê Hoàng Tấn cho biết: “Ðờn ca tài tử là một sinh hoạt cộng đồng, vì thế, không thế truyền dạy một vài ngón đàn hay một vài làn điệu. Tôi thường tổ chức theo lớp, theo câu lạc bộ. Cùng lúc, tôi mời thêm nhiều nghệ nhân khác nữa, cùng giảng dạy. Thầy dạy hát, cô dạy đàn kìm, thầy đàn guitar… kết thúc khóa học từ 6 tháng đến một năm, địa phương có hẳn một ban nhạc tài tử chất lượng có thể phục vụ bà con gần xa, làm nòng cốt để truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp”.
Trò tóc bạc hơn thầy
Nghệ nhân Lê Hoàng Tấn kể, có lần nghệ nhân đang dạy, nghe học trò một thưa thầy, hai thưa thầy, cứ tưởng học trò hỏi gì mình. Quay lại, hóa ra học trò đang hỏi một ông cụ cũng học cùng lớp và gọi người đó là thầy. Nghệ nhân Lê Hoàng Tấn bèn hỏi cụ là ai? Ông cụ cho biết mình có cả một lò đào tạo đờn ca tài tử. Hôm nay cả thầy và trò đều tới học nghệ nhân Lê Hoàng Tấn. Ông cụ bảo: “Lúc đầu tôi khuyên học trò đừng nên đi học làm gì, chỉ cần học tôi là được. Nhưng sau thấy học trò lên học thầy Lê Hoàng Tấn về chơi đàn hay quá, tôi cũng cắp sách theo chúng nó đi học”.
Nghệ nhân Lê Hoàng Tấn rất coi trọng đạo nghĩa và trân trọng nghệ thuật truyền thống. Ông bảo: “Khi chúng tôi giảng dạy, thường mặc đồ truyền thống. Có chuyến đi dạy, đến chỗ ăn trưa, chúng tôi mới thay áo dài khăn đóng. Ăn trưa xong, cả đoàn đi ra, nhà xe ngạc nhiên quá ồ cả lên và hỏi các bác từ đâu tới? Ðoàn khách của chúng tôi đâu cả rồi? Các bác là ai đi đâu mà khăn đóng áo dài ngồi đầy xe chúng tôi thế này!”.
Một học trò của nghệ nhân Lê Hoàng Tấn, tóc đã bạc phơ, đó là lão nghệ sĩ Huỳnh Sáng hơn 80 tuổi, từng biễu diễn chung với các nghệ sĩ cải lương hàng đầu từ trước 1975.
Người học trò Huỳnh Sáng tóc bạc phơ nói với phóng viên: “Tôi thương thầy tôi. Từ năm 2008 đến nay thầy tôi là chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử của Trung tâm văn hóa TP HCM, đào tạo rất nhiều lứa học trò, ngoài ra thầy còn đi dạy ở rất nhiều tỉnh thành, kinh phí thầy tôi bỏ ra cho học trò được học hành không ít”.
Nghệ sĩ Huỳnh Sáng cũng tâm sự: “Trước kia tôi yêu nghề, say nghề, nhưng nhiều lúc tính bỏ nghề, hoang mang, thiếu tự tin bởi câu nói dân gian “xướng ca vô loài”. Khi tôi gặp thầy tôi, một người uyên bác, nhiệt tâm, lại là một thẩm phán mà trân trọng bảo tồn âm nhạc đờn ca tài tử như thế, tôi như được tiếp thêm sức lực quyết tâm theo học nâng cao kiến thức, quyết theo đờn ca cùng thầy tôi”.
1/2017
Nghệ thuật dân tộc giúp ích công việc thẩm phán
Năm 2014 nghệ nhân Lê Hoàng Tấn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích bảo tồn đờn ca tài tử. Năm 2015 ông được phong nghệ nhân ưu tú lĩnh vực đờn ca tài tử.
Thẩm phán, nghệ nhân đờn ca tài tử Lê Hoàng Tấn tâm sự: “Tôi tìm thấy trong nghệ thuật truyền thống những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, trong đó có tính khoa học, bài bản lớp lang. Khi chơi nhạc đờn ca tài tử, các nghệ nhân phải thể hiện được sự đồng tâm, nhất trí, phải tuân theo niêm luật, trong cái tình phải có cái lý. Tôi nghĩ việc nghiên cứu nghệ thuật dân tộc cũng giúp ích cho tôi trong công việc thẩm phán, bởi một bản án được tuyên phải đạt lý nhưng cũng phải thấu tình, khiến cho con người ta nhận ra lỗi lầm mà hướng đến những điều tốt đẹp về sau”.