Theo truyền thông Trung Quốc, đây là một trong những động thái công khai hiếm hoi của chính phủ Trung Quốc trong việc can thiệp vào báo chí.
Tân Hoa Xã đưa tin, hôm 10/4, Cục quản lý Không gian ảo Trung Quốc (CAC) đã triệu tập lãnh đạo trang tin Sina về việc “số lượng lớn khiếu nại của quần chúng về việc Sina vi phạm pháp luật”.
Theo số liệu của CAC, tính từ đầu năm nay, cơ quan này nhận được 6.038 khiếu nại về Sina, nhiều hơn bất kỳ các cổng trực tuyến nào khác.
CAC thông báo, Sina “ bóp méo sự thật tin tức, vi phạm đạo đức và tham gia vào việc thổi phồng tin tức”.
Ngoài ra, các quan chức CAC cho rằng, “khâu kiểm duyệt tài khoản người dùng của Sina còn yếu kém” – cũng ám chỉ tới trang mạng xã hôi Sina Weibo (trang mạng xã hội tương tự Twitter, có hàng trăm triệu người dùng tại Trung Quốc).
Theo AFP, bản báo cáo của CAC không đưa ra chi tiết về khâu kiểm duyệt kém của Sina nhưng cáo buộc trang này truyền bá “những thông tin bất hợp pháp liên quan tới tin đồn, bạo lực, khủng bố và “ủng hộ dị giáo”.
CAC cho biết sẽ “nghiêm túc” trừng phạt Sina với các biện pháp có thể gồm “đóng cửa hoàn toàn dịch vụ tin tức Internet của trang này” nếu Sina không có các biện pháp cải thiện, theo Tân Hoa Xã.
“Gã khổng lồ Sina của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc đình chỉ dịch vụ tin tức Internet nếu không cải thiện kiểm duyệt”, dòng thông báo trên Twitter của tờ Nhân dân Nhật báo.
Theo Tổ chức Phóng viên không biên giới có trụ sở tại Pháp, Trung Quốc xếp thứ 175/180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí năm 2014.
Hồi năm 2013, Trung Quốc phát động một chiến dịch truy quét “tin đồn trực tuyến”. Nhiều người đăng thông tin không đúng sự thật bị bỏ tù.
Đây được xem là một chiến dịch nhằm kiềm chế các cuộc tranh luận trực tuyến trên các mạng truyền thông và microblog.
Trang Sina xếp hạng thứ 4 trong số những trang được truy cập nhiều nhất tại Trung Quốc, theo bảng xếp hạng Alexa.