Vì sao TPHCM 'cháy' vàng nhẫn?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không chỉ hạn chế số lượng mua, nhiều tiệm vàng ở TPHCM còn vắng bóng sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn. Nhiều chủ tiệm vàng không biết khi nào mới có lại sản phẩm này.

Trưa 29/2, tại tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TPHCM), khá đông khách vào mua bán vàng. Nhiều khách đến tìm mua nhẫn vàng tròn trơn loại 1 chỉ nhưng nhân viên cho biết sản phẩm đã hết từ nhiều ngày qua và không biết khi nào có hàng. Không mua được vàng nhẫn tròn trơn, nhiều khách hàng chuyển sang mua các trang sức khác như lắc tay, dây chuyền, nhẫn kiểu…

“Vàng trang sức đang tăng giá nhưng vẫn rẻ hơn so với vàng miếng nên tôi mua để dành. Vàng nhẫn tròn trơn có chi phí gia công rẻ nhất; khi có nhu cầu bán lại ít lỗ nên tôi chọn mua sản phẩm này. Tuy nhiên, nhiều tiệm vàng ở TPHCM đã không còn chiếc nhẫn tròn trơn nào, hoặc nếu còn thì số lượng rất ít”, bà Minh Hoàng (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết.

Vì sao TPHCM 'cháy' vàng nhẫn? ảnh 1

Nhiều người mua vàng trang sức tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TPHCM

ảnh: Duy Anh

Chị Thu Huyền, tiệm vàng Minh Phước (quận 5), cho biết, khách đến mua vàng nhẫn tròn trơn tăng gần 20%. Theo chị, thông thường sau ngày Thần Tài (mồng 10 tháng Giêng), khách đến sắm vàng sẽ thưa thớt hơn. “Thế nhưng năm nay thì ngược lại, trong ngày Thần Tài khá vắng khách, nhưng sau đó khách đến tăng từng ngày.

Vàng nhẫn, vàng trang sức tính ra giá cao nhất chỉ 65 triệu đồng/lượng, rẻ hơn gần 15 triệu đồng so với vàng miếng; và đặc biệt vàng nhẫn đang tăng giá nhanh nên nhiều người tranh thủ mua gom. Có ngày, tiệm chúng tôi không đủ vàng nhẫn để bán cho khách” - chị Huyền cho hay.

Chủ một tiệm vàng nổi tiếng ở TPHCM thừa nhận, đã hết vàng nhẫn nhiều ngày qua, tiệm cũng không có đủ nguyên liệu vàng để chế tác vàng nhẫn. Ngày vía Thần Tài vừa qua, tiệm bán cho khách mỗi người tối đa 1 nhẫn loại 1 chỉ đã ép vỉ.

“Từ trước đến nay, chưa bao giờ có tình trạng này. Không mua được nguyên liệu nên không thể làm vàng nhẫn để bán ra, điều này nằm ngoài kiểm soát nên giờ đành chịu”, người này nói.

Khan hiếm cục bộ, ngắn hạn?

Ngày 29/2, trao đồi với PV Tiền Phong về việc người dân đổ xô mua gom vàng, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, ngoại trừ sau Tết đến mùa cưới, vía Thần Tài khách mua vàng tăng thì vẫn còn nhiều nguyên nhân khác.

Đó là nhu cầu phát sinh đột ngột do lo lắng về những bất ổn chính trị trên thế giới. Trước tình hình đó, vàng là nơi “trú ẩn” tốt nhất, an toàn nhất. Những người có tiền thường chọn mua vàng để dự phòng để đầu cơ đón đầu…

Một lý do nữa là thiếu vàng nguyên liệu, có thể do người ta ưu tiên làm vàng miếng nhiều hơn; chính sách nhập khẩu vàng đang không được thông thoáng, cởi mở vì nhập khẩu vàng về nhiều sẽ ảnh hưởng đến cán cân ngoại tệ; cũng không loại trừ đầu nậu lớn tạo cung cầu ảo để tạo sự khan hiếm vàng, đẩy giá tăng…

“Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc khan hiếm vàng trong những ngày qua. Tuy nhiên, tôi cho rằng chỉ là sự khan hiếm cục bộ, ngắn hạn và thị trường sẽ sớm trở lại bình thường” - ông Phương nói.

Theo ông Phương, việc mua vàng để làm của để dành là điều hoàn toàn chính đáng, nhưng không nên đổ xô mua vàng mất kiểm soát và “chạy theo bầy đàn”,

MỚI - NÓNG