Samsung vẫn chưa thoát ra khỏi những ngày tháng tồi tệ của Galaxy Note 7. Các hãng hàng không đồng loạt cấm Note 7 như cấm một quả bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Thiệt hại về kinh tế chỉ là 1 vấn đề, thiệt hại về uy tín của một sản phẩm được coi là dẫn đầu xu thế phablet rõ ràng là không thể đo đếm được.
Tuy nhiên trước Note 7, và ngay cả thời điểm này, nhiều smartphone vẫn dễ dàng phát nổ, trong đó có cả những chiếc iPhone 7. Vì sao lại như vậy?
Cuộc chạy đua trong làng smartphone có lẽ là khốc liệt nhất trong làng công nghệ thế giới. Những chiếc máy điện thoại ngày càng phải nhỏ gọn hơn, mỏng hơn, chạy nhanh hơn, thời lượng pin lâu hơn, sở hữu lớp khung vỏ sang trọng hơn, và thậm chí còn phải chống nước, chống bụi. Chính cuộc đua này đã góp phần tạo ra những chiếc smartphone mong manh dễ nổ như hiện nay.
Đầu tiên phải kể đến khả năng chống nước, vũ khí mới của những smartphone cao cấp. Chống nước tức là smartphone phải thực sự kín. Tất cả những khe hở trước đây có thể phần nào giúp tản nhiệt cho máy sẽ đều được bít kín bởi keo hoặc 1 vật liệu khác, nhằm giúp nước không lọt vào trong máy. Điều này đồng nghĩa với những chiếc smartphone chống nước sẽ tản nhiệt kém hơn những chiếc smartphone không chống nước, nếu có cùng thiết kế và vật liệu.
iPhone 7 phát nổ
Trong 1 không gian hữu hạn và vô cùng chật hẹp như smartphone, các nhà sản xuất đã phải nhồi vào đó rất nhiều linh kiện, nhiều hơn so với những smartphone trước đây. Các công nghệ mới đều yêu cầu phải có phần cứng đi kèm là tất nhiên, điều này khiến không gian bên trong máy ngày càng chật hẹp hơn, tản nhiệt trở nên kém hơn, và các linh kiện mới cũng phát sinh thêm nhiệt năng trong quá trình sử dụng.
Vi xử lý nhanh hơn, RAM cần khỏe hơn, chip đồ họa cũng cần mạnh hơn, khiến những chiếc smartphone nhỏ bé trở nên nóng hơn. Dù có là những chiếc smartphone cao cấp nhất với những vật liệu tốt nhất, nhưng khi chạy game đồ họa đỉnh cao, việc máy nóng rực khi hoạt động ở cường độ cao vẫn xảy ra thường xuyên.
Tất cả các công nghệ hay linh kiện ở trên đều đòi hỏi tiêu tốn năng lượng nhiều hơn. Pin vì vậy sẽ hao nhanh hơn, Và các nhà sản xuất lại phải tăng dung lượng pin để đáp ứng thời lượng sử dụng ít nhất là đủ cho 1 ngày. Những cục pin khoảng 3.000 mAh được làm rất mỏng, tỏ ra kém an toàn hơn những cục pin chỉ khoảng 2.000 mAh trước kia.
Công nghệ sạc nhanh cũng là nguyên nhân dẫn tới smartphone cháy nổ nhiều hơn. Sạc nhanh đồng nghĩa với việc pin nóng hơn rất nhiều so với tốc độ sạc trước đây. Nếu vừa sạc vừa sử dụng, hay sạc pin và đặt điện thoại ở những nơi ủ nhiệt như chăn gối hay trên nóc TV, khả năng cháy nổ tăng thêm nhiều lần.
Trong không gian chật hẹp và ngày càng đòi hỏi phải mỏng và sang trọng hơn từ phía người dùng, các nhà sản xuất đã cố gắng sắp xếp để tối ưu diện tích bên trong smartphone, điều này vô tình tạo ra những sản phẩm lỗi như Note 7. Hiện nay, phần lớn các đánh giá về nguyên nhân gây cháy nổ của Note 7 là do lỗi thiết kế, bởi Galaxy S7 có cấu hình gần như tương tự nhưng không gặp phải vấn đề gì về cháy nổ. Có thể lỗi thiết kế các phần cứng đã khiến nhiệt tăng đột biến ở một điểm nào đó trên pin và gây nổ. Lỗi thiết kế khiến việc thu hồi Note 7 và đổi máy mới gần như là vô nghĩa, và Samsung đã quyết định bỏ mẫu smartphone này.
Rõ ràng cuộc đua công nghệ khiến những chiếc smartphone ngày càng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, chụp ảnh đẹp hơn, nhưng cũng mong manh hơn. Vì vậy, nếu ngoài Note 7, đâu đó có những thông tin về iPhone 7 hay những chiếc smartphone khác phát nổ, thì bạn cũng đừng lấy thế làm lạ.