Tân Tổng thống Nga Putin (phải) sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh G8. |
Nhiều giả thuyết đã được đặt ra về việc vì sao Putin lại quyết định không cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác tham dự hội nghị tại Mỹ và hoãn cuộc gặp nhiều mong đợi với Tổng thống Mỹ Obama.
Một số chuyên gia cho rằng Putin muốn tránh chỉ trích của phương Tây vì các cuộc trấn áp người biểu tình phản đối cuộc trở lại điện Kremlin của ông, vốn đã bắt đầu từ cuộc bầu cử quốc hội Nga vào năm ngoái. Một số khác cho rằng chính căng thẳng trong quan hệ giữa bản thân hai nhà lãnh đạo này đã khiến ông Putin chọn “ngồi nhà”, và cử ông Medvedev tới Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc “đổi ngôi” của ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và giờ là thủ tướng Nga, cũng đã tạo ra căng thẳng chính trong đảng cầm quyền Nga. Ai sẽ góp mặt trong nội các mới dưới sự lãnh đạo của ông Medvedev, các đồng minh cấp cao khác của ông Putin sẽ đảm nhiệm vị trí nào, và ai sẽ hỗ trợ ông Medvedev? Chưa có sự bổ nhiệm nào được quyết định.
Hôm thứ tư vừa qua, Nhà Trắng tuyên bố ông Medvedev sẽ đại diện cho Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp G8 tại Trại David từ ngày 18-19/5. Cuộc gặp đầu tiên của ông Obama với ông Putin trên cương vị là tổng thống Nga dự kiến sẽ diễn ra ở một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu khác tại Mexico vào ngày 18-19/6.
Ông Medvedev, người trẻ tuổi hơn và có vẻ như nghiêng về phương Tây nhiều hơn, đã là đối tác của ông Obama trong nỗ lực “tái khởi động” mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Trong khi đó, ông Putin tỏ ra dè dặt hơn trước những ý định của Mỹ.
Trong những tháng trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3, ông Putin đã không ít lần chỉ trích Mỹ trong chiến dịch tranh cử của mình. Nhưng giờ đây, khi đã trở lại điện Kremlin, ông được kỳ vọng sẽ có cách tiếp cận thực dụng hơn trước mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là vào thời điểm Nga cần thu hút đầu tư nước ngoài.
Chuyến trở lại điện Kremlin của ông Putin được cho là chưa trọn vẹn khi có hàng loạt cuộc biểu tình, với cảnh sát phải vào cuộc và hàng trăm người bị bắt giữ. Ít nhất 20.000 người đã xuống đường trong một cuộc tập hợp của phe đối lập trước thềm lễ nhậm chức của ông.
Một số người xem kế hoạch hủy tham dự hội nghị ở Mỹ của ông Putin là nhằm tránh những câu hỏi không hay về phong trào biểu tình ở Nga. Alexei Malashenko, một học giả ở Trung tâm Mátxcơva Carnegie cho rằng chuyến công du của ông Putin tới Mỹ sẽ phát đi “chỉ dấu về sự yếu kém” nhất là sau khi ông chỉ trích Mỹ hỗ trợ cho các lãnh đạo biểu tình.
“Xét về tình hình hiện nay, ông Medvedev là nhân vật thích hợp hơn”, ông đánh giá. “Ông ấy không gánh chịu trách nhiệm gì, ông ấy không còn là tổng thống và ông ấy chỉ là số 2”, ông Malashenko cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Putin thường không nao núng và dường như thích được có cơ hội tranh luận trực tiếp với những người chỉ trích ông trong và ngoài nước. “Tôi không cho rằng Putin sợ bất kỳ điều gì liên quan đến chính trị”, Arkady Dvorkovich, một cố vấn kinh tế của tổng thống, người tháp tùng ông Medvedev tham dự G8 vào tuần tới cho biết trên đài phát thanh Ekho Moskvy. “Điều này thật buồn cười. Đây chỉ là những ý nghĩ vu vơ, không liên quan gì với thực tế”.
Olga Kryshtanovskaya, nhà xã hội học có tiếng, chuyên nghiên cứu tầng lớp chính trị và doanh nhân hàng đầu của Nga, cho biết các cuộc biểu tình của phe đối lập đã đóng góp vào những khó xử bên trong nội bộ Kremlin.
“Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu tình hình trong nước yên ả”, bà cho biết. “Chính phủ đang thành lập nội các cho 6 năm chứ không phải 4 năm. Cả cấu trúc quyền lực đang được tái định dạng”.
Một câu hỏi được đặt ra là, chức vụ nào, nếu có, sẽ được trao cho Alexei Kudrin, bộ trưởng tài chính từ năm 2000-2011, người đã từng cố gắng làm trung gian giữa những người biểu tình và Putin vào mùa đông vừa qua. Ông đã bị sa thải sau khi cho biết sẽ không làm việc trong nội các do Medvedev đứng đầu.
Igor Sechin, phó thủ tướng quyền lực, người giám sát ngành năng lượng trong nội các của ông Putin, cũng được cho là không muốn làm việc trong nội các dưới sự lãnh đạo của ông Medvedev.Cả ông Sechin và Kudrin đều là những đồng minh lâu năm của ông Putin.
Kryshtanovskaya đánh giá Putin không sợ bị chỉ trích, nhưng cũng không muốn đẩy Nga xa rời G8. “Với Nga, vẫn là một vinh dự khi là một phần của câu lạc bộ nhỏ các nước có thế lực nhất này. Và tôi không nghĩ rằng ông ấy quyết định tránh chạm mặt họ chỉ vì những nguyên nhân ngoại giao”, bà khẳng định.
Theo Dân Trí