Ông Quang cho biết: Dự thảo luật được xây dựng trên quy định của Luật Dân sự 2015, vì luật này quy định quyền được chuyển đổi giới tính. Nhưng để thực hiện phải có luật chuyên ngành về chuyển đổi giới tính. Việt Nam mới công nhận quyền chứ chưa có cơ chế pháp lý để thực hiện.
Thưa ông, tại sao dự thảo luật quy định người muốn chuyển giới phải trên 18 tuổi và đang còn độc thân?
Trong quá trình làm, chúng tôi đã có báo cáo đánh giá tác động chính sách. Vấn đề này là quyền nhân thân, tức là thay đổi nhân dạng của mình. Ví dụ như anh bây giờ muốn chuyển sang nữ là quyền quyết định của anh; bố mẹ, anh chị không thể quyết định thay được. Thế nên phải trên 18 tuổi, có năng lực nhận thức hành vi. Từ những phân tích như thế và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện. Dưới 18 tuổi, do chưa đủ nhận thức, có thể thích lên thì làm, xong không thích nữa... Đây không phải chuyện đùa vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Còn về tình trạng độc thân. Luật quy định độc thân ở ba trường hợp. Một là chưa lấy vợ lấy chồng, hai là lấy vợ lấy chồng nhưng đã ly dị, ba là lấy vợ lấy chồng không ly dị nhưng chồng/vợ chết. Sở dĩ quy định như vậy vì liên quan đến tính pháp lý. Luật Hôn nhân & Gia đình chỉ cho phép kết hôn giữa nam với nữ chứ không thừa nhận kết hôn đồng giới nam với nam, nữ với nữ. Ví dụ một cặp vợ chồng chưa ly dị mà người vợ nằng nặc đòi chuyển đổi giới tính thành nam, thì tình trạng kết hôn sẽ thành nam nam, vi phạm luật Hôn nhân & Gia đình. Thế nên không chấp nhận. Mà dù có chấp nhận đi chăng nữa, kể cả người vợ hoặc người chồng đồng ý thì lúc đó quan hệ vợ chồng không còn nguyên nghĩa theo Luật Hôn nhân & Gia đình. Người con không biết gọi người bố chuyển giới thành nữ như thế nào. Có chấp nhận như thế không? Vì vậy không chỉ có tự do của cá nhân người đó mà còn ảnh hưởng đến con cái, dòng tộc. Khi xem xét đều phải theo trật tự pháp luật. Tức là phải đảm bảo được lợi ích công cộng, bảo đảm khía cạnh về đạo đức, giá trị truyền thống, văn hóa chứ không phải cá nhân thích là được.
Dự thảo cũng đưa ra các phương án cụ thể về chuyển đổi giới tính? Ông có thể nói rõ hơn về các phương án này?
Chuyển đổi giới tính có 4 dạng thức. Đầu tiên phải hoàn thiện giới tính về mặt sinh học. Các bộ phận tất cả là nam hoặc là nữ, chỉ có suy nghĩ trong bản dạng giới và hành vi lệch dấu. Ví dụ là nam nhưng có hành vi giống nữ. Thứ hai là phải được xác định tâm lý qua bài kiểm tra tâm lý. Trên thế giới còn đang cho sống thử 2 năm. Anh phải tuyên bố với cơ quan y tế là sống thử xem có được không? Ví dụ mặc váy, bôi son phấn, thế nọ thế kia... Hành vi có thể thích đi mua sắm, đan len chứ không thích những hành vi của đàn ông. Sau khi sống thử, theo dõi, ra các bài kiểm tra thì lúc đó mới xác định hoàn thiện về giới tính sinh học nhưng lệch dấu.
Sau đó đến mức can thiệp sinh học. Có hai mức, một là sử dụng hoóc môn, điều trị nội tiết tố. Thứ hai là phẫu thuật. Hiện nay có nước yêu cầu phẫu thuật xong xuôi tất cả thì mới cho chuyển đổi giới tính. Nhưng cũng có những nước chỉ xác định tâm lý lệch dấu, điều trị hoóc môn 2 năm với sự xác nhận của cơ quan y tế. Sau khi điều trị hoóc môn 2 năm thì thay đổi nhiều. Cánh nam giới râu không mọc nữa, tay chân mềm mượt rồi. Nữ thì râu mọc, trông cứng cáp hơn. Chúng tôi tham khảo 66 quốc gia thì đa số các nước đều áp dụng như thế này. Cũng có nước quy định phải phẫu thuật, nhưng thực ra nhiều người chuyển giới chỉ làm ngực, phía dưới không thay đổi. Nhiều người cũng không có đủ tiền và sợ can thiệp phẫu thuật nhiều. Chúng tôi đã phân tích điều kiện kinh tế xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích cá nhân, các cơ sở khám chữa bệnh, lợi ích về bình đẳng giới xong mới chọn các phương án.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
Theo ông, nếu luật được áp dụng thì ở Việt Nam đã đủ điều kiện y tế thực hiện chuyển đổi giới tính chưa?
Như tôi đã nói, có hai loại. Một là điều trị nội tiết tố. Chỉ cần các bệnh viện có chuyên khoa nội, các bệnh viện nội hoặc phòng khám nội khoa thì có thể thực hiện được. Việc thăm khám, kê đơn rồi cho sử dụng hoóc môn không có vấn đề gì khó cả. Thứ hai là giải phẫu thì có phẫu thuật ngực và phẫu thuật bộ phận sinh dục. Hai cái này thì phải thực hiện ở các cơ sở ngoại khoa. Cơ sở vật chất và trang thiết bị không có vấn đề gì lớn. Vấn đề cơ bản là nhân lực. Để tạo hình cho một người đang có bộ phận sinh dục nam thành bộ phận sinh dục nữ là một việc rất khó, hay từ nữ thành nam thì khó nữa. Hiện nay đã có các chuyên gia đi học, người ta cũng biết cả rồi. Ví dụ như BV Việt Đức làm tốt. Sau này cho phép thì ví dụ như Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế, một số cơ sở ngoại khoa có người đủ trình độ là làm được thôi.
Theo ông, người chuyển đổi giới tính có gặp khó khăn gì trong việc xác định lại giới tính, làm lại giấy tờ tùy thân, hộ tịch...?
Không gặp khó khăn vì trong quy định đã có rồi. Chỉ cần có giấy xác nhận của cơ quan y tế là đã can thiệp y học chuyển đổi giới tính. Ví dụ ông Nguyễn Huy Quang chuyển đổi giới tính xong, cầm giấy đó ra hộ tịch họ sẽ thay đổi. Cần thì đổi tên thành Nguyễn Thu Quang, giới tính nam chuyển thành giới tính nữ. Từ giới tính nữ đó, toàn bộ giấy tờ sẽ chuyển sang nữ hết.
Vậy, dự thảo luật có lộ trình thực hiện thế nào, thưa ông?
Đây mới chỉ là dự thảo luật công bố xin ý kiến vào hồ sơ xin phép đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2019. Bao giờ Quốc hội giao cho Chính phủ xây dựng luật, chúng tôi sẽ công bố và chắc chắn có góp ý nhiều hơn. Ở đây mới đặt ra những giả định, có nhiều phương án để rộng đường xây dựng. Dự kiến năm 2019 Quốc hội đưa vào chương trình để xem xét. Nếu được phải năm 2020 mới áp dụng.
Cảm ơn ông.
Đề xuất người độc thân trên 18 tuổi có nhu cầu được chuyển giới
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vừa được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính, điều kiện của chuyên gia tâm lý, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện can thiệp y học chuyển đổi giới tính, hồ sơ xin được chuyển đổi giới tính… Theo đó, cá nhân được yêu cầu can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ bốn điều kiện sau: Có giới tính sinh học hoàn thiện (giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể); được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân. Dự thảo đưa ra ba phương án, nhưng Bộ Y tế đề nghị chọn phương án một và hai. Cụ thể, một là cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong thời gian liên tục khoảng hai năm trở lên thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Hai là cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Hoàng Phong