Vì sao phải 'đánh giá lại quy mô GDP' của Việt Nam?

Có 76.000 doanh nghiệp bổ sung thông tin sau khi Tổng cục Thống kê điều tra lại quy mô GDP ảnh minh họa
Có 76.000 doanh nghiệp bổ sung thông tin sau khi Tổng cục Thống kê điều tra lại quy mô GDP ảnh minh họa
TP - Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP). Theo đó, GDP Việt Nam tăng lên do bổ sung nguồn thông tin còn thiếu trong đánh giá hàng năm như hoạt động của các doanh nghiệp.

“Bỏ sót” 76.000 DN trong thống kê hàng năm

Ngày 16/8, Tổng cục Thống kê thông tin chính thức về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trước đó, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại việc điều chỉnh số liệu về GDP có thể khiến các chỉ tiêu về an toàn nợ công thấp xuống tạo dư địa vay nợ nhiều hơn; thu nhập bình quân đầu người tăng về mặt con số nhưng không cải thiện điều kiện sống...

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục thống kê khẳng định, “đánh giá lại quy mô GDP” là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Hiện có 3 phương pháp dùng để biên soạn chỉ tiêu thống kê GDP gồm: Phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. Đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới.

Thông tin thống kê sử dụng để đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào Tổng điều tra (TĐT) và hồ sơ hành chính của các bộ, ngành địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, Tổng cục Thống kê thực hiện TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, TĐT kinh tế năm 2012 và năm 2017.

Theo Tổng cục Thống kê, có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP sau đánh giá lại, gồm: Bổ sung thông tin từ tổng điều tra; Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Duy nhất một nhóm làm giảm quy mô GDP do cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước.

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, quá trình đánh giá lại quy mô GDP đã bổ sung thông tin của 76.000 DN mới. Đây là những DN đang hoạt động nhưng không cung cấp thông tin và DN vừa đi vào hoạt động (trước đây chưa thống kê). Với những DN không thu thập được từ hồ sơ hành chính, Tổng cục Thống kê bổ sung số liệu từ cơ quan thuế.

Không tính kinh tế ngầm vào GDP

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, hiện Việt Nam chưa thống kê hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp vào GDP. Mặc dù 2 thành tố này nằm trong khu vực kinh tế chưa được quan sát nhưng Tổng cục Thống kê chưa tổng hợp và chưa đưa vào tính toán GDP.

Tổng cục Thống kê không tính GDP tăng lên để Chính phủ có thể vay nợ nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế hay đưa trần nợ công giảm xuống. Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, làm căn cứ để bộ, ngành sử dụng cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025”, ông Lâm khẳng định.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế.   

“Tôi khẳng định, Tổng cục Thống kê không tính GDP tăng lên để Chính phủ có thể vay nợ nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế hay đưa trần nợ công giảm xuống. Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, làm căn cứ để bộ, ngành sử dụng cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê.

MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.