Vì sao Pencak Silat Việt Nam hạ chỉ tiêu Vàng ở SEA Games 32?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tới SEA Games 32, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam không có tham vọng bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn từng giành được hồi năm ngoái, đồng thời hạ chỉ tiêu xuống còn 3 huy chương Vàng. Vậy đâu là lý do?
Vì sao Pencak Silat Việt Nam hạ chỉ tiêu Vàng ở SEA Games 32? ảnh 1

Các tuyển thủ Pencak Silat thích ứng rất nhanh với luật thay đổiẢnh: Như Ý

Cách đây 1 năm ở SEA Games 31, đội tuyển Pencak silat Việt Nam đã gây ấn tượng với ngôi nhất toàn đoàn sau khi đoạt 6 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ. Là môn thể thao trọng điểm, tuyển Pencak silat Việt Nam tiếp tục nhận được sự kỳ vọng lớn ở kỳ Đại hội thứ 32 diễn ra trên đất Campuchia. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra trước ngày lên đường lại khá khiêm tốn.

Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cho biết, có rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị. Ông nói: “Sau SEA Games 31 các VĐV lại căng mình cho Đại hội TDTT toàn quốc. Đó là hai giải đấu mà tất cả đều phải cố gắng hết mình nhằm đạt thành tích cao nhất cho đất nước và địa phương. Tuy nhiên kết thúc hai giải là các quãng nghỉ dài. Điều này khiến tính liên tục không được duy trì, gây ra các vấn đề trong việc lấy lại thể lực và sự tập trung”.

Cũng theo HLV Nguyễn Văn Hùng, một trở ngại khác là “trước SEA Games 32, đội tuyển Pencak silat không có giải đấu nào để dợt quân cũng như kiểm nghiệm, làm quen các thay đổi trong luật thi đấu”.

Trong số 30 VĐV Pencak Silat (bao gồm 21 VĐV đối kháng, 9 VĐV quyền) đang tập luyện để thi đấu ở 13 nội dung đối kháng, 4 nội dung quyền tại SEA Games 32, chỉ có 4, 5 người được coi là kỳ cựu. Phần còn lại đều rất trẻ và lần đầu tham dự SEA Games, như Trịnh Quý Cường (Hà Nội) sinh năm 2004; Hồng Ân (Quân đội) và Thế Vũ (Thanh Hóa), đều sinh năm 2003.

“Đây là một thiệt thòi lớn bởi SEA Games 32 sẽ áp dụng luật thi đấu mới, khác với kỳ đại hội trước”, vị HLV từng giành 4 HCV SEA Games, 3 HCV châu Á Pencak silat nói, “Ví dụ, luật mới quy định VĐV chỉ được quật ngã đối phương bằng một tay, thay vì hai tay như trước. Các đòn túm đấm, túm đá chỉ được công nhận dùng 2 tay trong trường hợp 1 tay nắm, 1 tay xòe hoặc kẹp. Một điều chỉnh khác, VĐV sẽ bị nhắc nhở dẫn đến trừ điểm nếu đánh chiến thuật rồi di chuyển ra vòng ngoài”.

“Ban huấn luyện cùng các VĐV đều nắm được các thay đổi, sau đó tiến hành nhiều bài tập hoặc đấu nội bộ, đồng thời lên chiến thuật thi đấu dựa trên điều chỉnh theo luật mới. Thật ra đây không phải lần đầu luật Pencak Silat được thay đổi, và chúng ta thường là những người được phổ biến và tập luyện sau, không tiếp cận sớm như các Liên đoàn sáng lập Indonesia, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên giống như lần đổi luật vào năm 2020 hay 2022, các VĐV của chúng ta thích ứng rất nhanh”.

Vấn đề là, như HLV Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra, Pencak Silat Việt Nam thiếu kinh nghiệm thực chiến với bộ luật mới, cách tính điểm mới. Bên cạnh đó là nỗi lo lực lượng. Sau SEA Games 31, tuyển Pencak silat Việt Nam đã trẻ hóa gần như toàn bộ đội hình. Mặc dù những người mới rất triển vọng, song khó có thể đòi hỏi thành tích cao từ họ ngay trong lần thử lửa đầu tiên.

“Trong đội hình hiện tại chỉ có hai VĐV từng đoạt HCV tại SEA Games 31. Trong hai người, duy nhất Nguyễn Duy Tuyến được đánh đúng hạng cân còn Quàng Thị Thu Nghĩa phải đánh ở hạng cân 70kg, thay vì 75kg. Đây là một khó khăn khác của Việt Nam, bởi trước đây chúng ta thường tập trung và gây dựng thế mạnh ở các hạng cân lớn. Lợi thế này không còn khi chủ nhà Campuchia chỉ tổ chức các hạng cân nhẹ. Chúng ta có những VĐV tốt nhưng không thể tạo ra sức mạnh áp đảo ở hạng cân nhẹ như đã từng với hạng cân nặng”, HLV Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Chính vì thế, sau khi phân tích các điểm mạnh yếu, những bất lợi gặp phải, Pencak Silat Việt Nam chỉ đề ra mục tiêu 3 HCV tại SEA Games 32. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể giành được nhiều hơn, trong trường hợp mà HLV Nguyễn Văn Hùng nói, “một số VĐV trẻ tạo ra bất ngờ”.

MỚI - NÓNG