Vì sao ông Trump sa thải cố vấn an ninh quốc gia?

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nghe Tổng thống Trump trao đổi với quốc khách tại Nhà Trắng ngày 13/5. Ảnh: Washington Post/ Getty Images
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nghe Tổng thống Trump trao đổi với quốc khách tại Nhà Trắng ngày 13/5. Ảnh: Washington Post/ Getty Images
TP - Cho dù Tổng thống Donald Trump quyết định sa thải hay ông John Bolton từ chức từ trước thì có một thực tế không hề thay đổi là đôi bên từ nay đường ai nấy đi. Vấn đề bây giờ đối với ông Trump là chọn cố vấn an ninh quốc gia mới và nhiều câu hỏi được đặt ra về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới.  

Khi được hỏi trong một cuộc họp báo rằng liệu ông và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có ngạc nhiên khi ông Bolton bị sa thải, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Tôi chưa bao giờ ngạc nhiên”.

Theo CNN, Tổng thống Trump tính đến nay đã từng có ba cố vấn an ninh quốc gia, gồm các ông Bolton, Michael Flynn và H.R. McMaster. Sự ra đi của ông Bolton diễn ra khi căng thẳng với Iran đang leo thang ở Vùng Vịnh, Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí và các chuyên gia đang cảnh báo một cuộc chạy đua hạt nhân tiềm tàng với Nga, giữa lúc căng thẳng thương mại với Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Đó là chưa kể chuyện chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc rút quân khỏi Afghanistan.

Trong lúc này, nhân vật “cascadeur” cho ông Bolton đã được chỉ định: theo thông báo từ Nhà Trắng, ông Charles Kupperman sẽ là quyền cố vấn an ninh quốc gia.

“Các ưu tiên và chính sách của ông John Bolton không song trùng với tổng thống và tổng thống có quyền đưa ai đó vào vị trí của ông Bolton để có thể thực hiện đường hướng của mình” phó thư ký báo chí Nhà Trắng Hogan Gidley nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, việc phế truất ông Bolton diễn ra vẫn bất ngờ đến mức sáng thứ Ba, ông Bolton với tư cách cố vấn an ninh quốc gia vẫn chủ trì một cuộc họp với các quan chức cấp cao và vài giờ sau xuất hiện đoạn Tweet thông báo việc sa thải ông Bolton của ông Trump, một nguồn tin nói với CNN. Nguồn tin nói cuộc họp diễn ra như kế hoạch và không có chỉ dấu nào cho thấy ông Bolton chuẩn bị phải rời chức vụ.

Nhưng nhiều nguồn tin nói với CNN rằng chiến dịch hất cẳng ông Bolton ra khỏi Nhà Trắng đã được tăng tốc trong vài tuần trở lại đây. Nguồn tin nói rằng Tổng thống Trump đã nhận nhiều cuộc gọi đề nghị thay thế ông Bolton bằng ai đó hợp rơ với ông hơn, sẵn sàng chấp thuận theo các quyết định của tổng thống. Đây là điều ông Trump đã nghe thấy ngay từ khi tuyển ông Bolton. Nhưng người ta nói sự khó chịu của ông Trump đối với vị cố vấn của mình đã tăng lên trong những tuần gần đây và nhóm vận động ngay lập tức gia tăng áp lực đòi tổng thống phế truất ông Bolton.

Cuộc ra đi tất yếu

Một quan chức cấp cao nói Tổng thống Trump ngày càng tức điên với ông Bolton trong nhiều tháng qua liên quan đến các bình luận của ông này về Iran, Venezuela và giờ là Afghanistan.

Theo một nguồn tin khác, ông Bolton cảm thấy không thoải mái khi phải giải thích và bảo vệ quan điểm của ông Trump về một loạt các vấn đề, bao gồm những chuyện liên quan tới Nga.

Mâu thuẫn giữa đôi bên đạt cực điểm, là giọt nước tràn ly khi ông Bolton bất đồng với tổng thống khi ông Trump quyết định tiếp các lãnh đạo Taliban tại trại David. Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp này.

Theo Vox, sự khác biệt giữa ông Bolton và ông Trump có gốc rễ sâu xa và điều ngạc nhiên là ông Bolton đã trụ lại từng ấy thời gian làm việc với ông Trump. Bởi trong khi tổng thống chủ trương rút Mỹ khỏi các cuộc chiến tốn kém ở nước ngoài, không đưa Mỹ vào các cuộc chiến mới, thì ông Bolton lại là kiến trúc sư trưởng của cuộc chiến Iraq 2003 và từ lâu đã vận động cho các cuộc lật đổ, thay đổi chế độ do Mỹ dẫn dắt ở nhiều quốc gia, từ Trung Đông, châu Á, tới Mỹ Latin.

Trong khi John Bolton nổi tiếng với tư duy diều hâu, đặc biệt về vấn đề Triều Tiên, thì tổng thống Trump lại có cách tiếp cận ôn hòa đối với Bình Nhưỡng, thậm chí là tổng thống đầu tiên gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên, không phải chỉ một lần.

Ông Bolton luôn nói với báo chí rằng ông là cố vấn an ninh quốc gia, không phải người quyết định chính sách an ninh quốc gia. Nhưng theo bài bình luận trên Vox, ông Bolton thường xuyên cố tìm cách đẩy ông Trump ra khỏi “khu vực dễ chịu” và buộc ông phải theo đuổi các chính sách đối ngoại hiếu chiến, gây gổ hơn. Có vẻ ông Trump đã ngán với tình trạng này.

Một bài bình luận trên Politico cho rằng sự ra đi của ông Bolton là minh chứng mạnh mẽ cho thấy ông Trump nay đã tự tin vào quyết sách của chính ông đối với vấn đề an ninh quốc gia.

Nếu điều này là chính xác thì cho dù ai ngồi vào ghế cố vấn an ninh quốc gia thay ông John Bolton thì điều chắc chắn là chính sách đối ngoại thời gian tới của Mỹ sẽ có nhiều thay đổi.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.