Ông Kim thay một loạt tướng lĩnh cấp cao
Chỉ trong thời gian ngắn, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tiến hành thay đổi một loạt quan chức cấp cao trong quân đội, trong đó đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong-sik đã được thay thế bởi ông No Kwang-chol. Ông No Kwang-chol, nguyên Trưởng ban Kinh tế thứ hai của Đảng Lao động Triều Tiên, từng có thời gian dài giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Ngoài ra, Triều Tiên được cho là cũng đã tiến hành thay đổi 2 tướng lĩnh cấp cao khác trong quân đội bao gồm Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị.
Hãng tin Asahi Shimbun của Nhật Bản hôm 3/6 dẫn nguồn tin của nhân sĩ Triều Tiên tiết lộ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên tướng Ri Myong-su cũng đã bị thay thế.
Trước đó, vào tháng Năm, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-gak đã bị thay thế bởi ông Kim Su-gil, Chủ tịch Ủy ban Bình Nhưỡng của Đảng Lao động Triều Tiên.
Cả ông No Kwang-chol và Kim Su-gil được giới phân tích đánh giá là nhân vật có quan điểm ôn hòa, ủng hộ chính sách từ bỏ hạt nhân để cải thiện quan hệ với Mỹ và chính sách phát triển kinh tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Vì sao ông Kim 'thanh lọc' quân đội trước thềm thượng đỉnh với Mỹ?
Các nhà phân tích tình hình chính trị nội bộ Triều Tiên cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore sắp diễn ra, điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un lo lắng nhất chính là khả năng đảo chính khi ông vắng nhà.
Việc ông Kim thay một loạt nhân sự trong Bộ Quốc phòng là nhằm mục đích ngăn ngừa một cuộc chính biến có thể xảy ra trong lúc ông đang họp thượng đỉnh với Tổng thống Trump tại Singapore.
Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều chuẩn bị diễn ra, việc Triều Tiên thay đổi các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội bằng các tướng lĩnh ôn hòa hơn nhằm mục đích ngăn chặn sự rối loạn trong quân đội do sự thay đổi chính sách hạt nhân của Triều Tiên.
Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nắm trong tay rất nhiều quyền lực, nhưng thời gian cầm quyền của ông với tư cách nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên không bị thách thức vẫn chưa được đảm bảo.
Do sự thay đổi chính sách hạt nhân, ông Kim có thể khiến các nhân vật cấp cao trong quân đội Triều Tiên cảm thấy bất an. Điều này khiến những nhân vật "cứng rắn" trong quân đội không hài lòng với ông Kim, do đó họ có thể làm cái gì đó trong lúc ông Kim vắng nhà.
Chính vì vậy ông Kim phải thay thế những nhân vật này bằng những trợ lý thân tín, có tư tưởng ôn hòa hơn.
Mặt khác, sự thay đổi này của nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng giúp tạo dựng bầu không khí hòa bình tại khu vực trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump.