Vì sao NSƯT Thanh Quý trở thành ‘bà mẹ quốc dân’?

Bà mẹ quốc dân trong "Thương ngày nắng về".
Bà mẹ quốc dân trong "Thương ngày nắng về".
TPO - Vai bà Nga “béo” tần tảo, tất bật trong “Thương ngày nắng về” chắc chắn đưa NSƯT Thanh Quý thành ‘bà mẹ quốc dân’ trên màn ảnh.

Sau rất nhiều vai diễn gần đây trên màn ảnh, NSƯT Thanh Quý lần đầu xuất hiện trong vai bà mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó trong “Thương ngày nắng về”. Phim mới phát sóng tới tập 7. Tập 8 “Thương ngày nắng về” phát sóng 21h30 tối 30/11 trên VTV3.

Trước đây NSND Lan Hương Bông được mệnh danh là mẹ chồng quốc dân trong “Sống chung với mẹ chồng”, với những đặc điểm điển hình của nhiều bà mẹ chồng đáng sợ, ghê gớm. NSƯT Thanh Quý vào thời điểm này cũng không mấy khó khăn gì trở thành bà mẹ quốc dân. “Thương ngày nắng về” được Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc, thế nhưng hình tượng người mẹ Việt Nam của NSƯT Thanh Quý không lẫn đi đâu được.

Vì sao NSƯT Thanh Quý trở thành ‘bà mẹ quốc dân’? ảnh 1

NSƯT Thanh Quý làm nổi bật hình tượng người mẹ trong "Thương ngày nắng về".

Bà Nga tần tảo nuôi ba đứa con gái khôn lớn nhờ gánh bún riêu, gả chồng cho con gái cả, nuôi con gái thứ hai ăn học, bao bọc cho đứa con út vẫn tuổi ăn tuổi học và còn che chở cho đứa em dại (Bá Anh). Không những “con dại cái mang”, bà Nga còn chấp nhận tình cảnh “cháu bà nội tội bà ngoại”. Hai đứa con của con gái cả Vân Khánh (Lan Phương) cũng do một tay bà chăm bẵm.

Vì sao NSƯT Thanh Quý trở thành ‘bà mẹ quốc dân’? ảnh 2

Một trong những cảnh phim khiến nhiều người con cay mắt, liên tưởng tới người mẹ ngoài đời.

Khán giả xem “Thương ngày nắng về” rất dễ cảm thán “sao bà Nga giống hệt mẹ mình”! Biên kịch đã khéo léo chắt lọc những nét tính cách đặc trưng nhất của phụ nữ Việt Nam cũng như người mẹ điển hình Việt Nam. Em trai của bà Nga cùng đám con cháu thuộc lòng bài về về bà Nga, với những câu điển hình như “lúc tươi lúc héo, nói suốt cả ngày”, “chăm chỉ làm lụng, lắm lúc kể công”...

Vì sao NSƯT Thanh Quý trở thành ‘bà mẹ quốc dân’? ảnh 3

Bà mẹ chịu thương chịu khó nhưng hay dỗi và "kể công" với các con.

Bà Nga bán bún riêu, làm việc nhà, trông cháu ngoại, chạy ngược chạy xuôi lo tìm người người yêu cho con gái nuôi Vân Trang (Huyền Lizzy) đến mức kiệt sức ngất xỉu nhưng khi tỉnh lại ra sức mắng các con vì lo “sau này không có mẹ thì biết làm thế nào”. Tính chịu thương chịu khó được rèn từ thời khốn khó, thành ra sau này khi con cái khôn lớn có điều kiện kinh tế muốn báo hiếu mẹ nhưng bà vẫn không dám tiêu pha cho bản thân, bởi “tiêu một đồng như đứt từng khúc ruột”.

Sau nhiều vai người phụ nữ, người mẹ sắc sảo trên màn ảnh, NSƯT Thanh Quý có được vai diễn gần gũi với khán giả hơn. Bà Nga nhận được sự đồng cảm của khán giả bởi nói hộ tâm tình hàng triệu bà mẹ Việt khác. NSƯT Thanh Quý không mấy khó khăn khi hóa thân vào vai bà Nga, không chỉ nhờ tuổi thơ khốn khó trước đó mà còn nhờ quá trình quan sát, tích lũy vốn sống và kỹ năng diễn xuất điêu luyện.

Vì sao NSƯT Thanh Quý trở thành ‘bà mẹ quốc dân’? ảnh 4

Tính cách của bà Nga được góp nhặt từ những nét đặc trưng, điển hình của nhiều người mẹ Việt.

Sự thành công của vai diễn còn ở chỗ nghệ sĩ giàu kinh nghiệm như NSƯT Thanh Quý biết tung hứng, nâng đỡ “các con” như Hồng Đăng, Lan Phương, Huyền Lizzy và đặc biệt là Ngọc Huyền vào vai cô út Vân Vân. Khi ra mắt phim, NSƯT Thanh Quý tiết lộ, một điều bà luôn tâm niệm khi nhập vai chính là coi ê-kíp làm phim như gia đình, cho nên cảm xúc, tình cảm của người mẹ dành cho các con là tình cảm thật, xuất phát từ trái tim người mẹ.

NSƯT Quý là một trong những gương mặt nữ nghệ sĩ điện ảnh nổi bật cùng thời với cố NSND Phương Thanh, NSND Minh Châu... Sau này chuyển sang làm phim truyền hình, NSƯT Thanh Quý xuất hiện trong các bộ phim như Mùa lá rụng, Luật đời, Đầm lầy bạc, Người phán xử, Cả một đời ân oán, Nàng dâu order, Lựa chọn số phận...

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.